Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

TẢN MẠN VỀ PHONG BÌ
Trong cuộc sống thời kinh tế thị trường ngày nay có nhiều vấn đề nảy sinh khiến chúng ta phải suy nghĩ, ở đây tôi muốn bàn đến lĩnh vực phong bì, phong bao. Thực ra văn hóa phong bì có từ rất lâu rồi nhưng nó chỉ xuất hiện với nghĩa cử cao đẹp của cha ông ta, bằng cách trả ơn hay giúp đỡ nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Trở lại với hiện tại, văn hóa phong bì không còn dừng lại ở nghĩa cử đó mà nó còn biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau tinh vi, nguy hiểm hơn cho xã hội. Người ta lợi dụng phong bì sử dụng bằng nhiều mục đích khác nhau, thuộc nhiều nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đơn cử trong lĩnh vực giáo dục: Thời xưa, cả thầy lẫn trò đều khó khăn như nhau, thậm chí phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu để học tốt, dạy tốt. Còn bây giờ là thời của kinh tế thị trường. Đồng tiền đã đi vào mọi mối quan hệ. Người ta thường nói phú quý sinh lễ nghĩa là vì vậy. Thậm chí có những người chưa được phú quý cũng phải cố mà chạy theo lễ nghĩa trong cái xã hội này. Vì vậy, văn hoá phong bì xuất hiện trong nhà trường là điều không thể tránh khỏi. Mà đã là hiện tượng văn hóa thì khó xóa bỏ lắm, dù không ai muốn nó phát triển. Nhà trường cũng là một xã hội thu nhỏ và quan hệ thầy trò cũng có nhiều dạng. Nhưng rốt cuộc đó cũng là một loại quan hệ xã hội. Chúng ta cũng không nên đặt nhà trường, quan hệ thầy trò ra ngoài xã hội; như thế sẽ siêu hình và không thực tế.
Còn  ở nông thôn thì sao? Khó khăn trăm bề, nhất là với những người cao tuổi không còn sức lao động, con cái thì nghèo, kiếm tiền đã khó mà cỗ bàn thì liên miên. Thực tế đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhiều cụ nhà ta khỏe mạnh bình thường nhưng vẫn phải cáo ốm khi có con cháu mời cỗ hay có cụ đang ở trong nhà nghe có người mời lại nói với cháu là đi vắng để rồi đổ tiếng xấu cho con trẻ là có cỗ không mời, trẻ nhà quên không bảo… Các bạn thấy đấy chuyện phong bì không còn của riêng ai nữa. Cụ Phạm Sơn ở Tiến Bào, Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh còn viết thành thơ:
Tình cảm ngày nay kể cũng kì
Ai mời uống rượu phải phong bì
Nhiệt tình rỗng túi đành vờ ốm
Sốt sắng không hào ngại chẳng đi
Hỏi vợ lắc đầu không cả nói
Xin con ngậm miệng chỉ ngồi ỳ
Văn minh trả thấy tình thì cạn
Xã hội nên bàn dẹp nó đi.

Tiếng là vậy, nhưng chúng ta phải nhìn nhận vấn đề cho thật công bằng. Bản thân cái phong bì nó không có lỗi mà đúng ra người sử dụng nó mới là đáng bàn. Nó là cánh ứng xử, là văn hóa sống với nhau, thiết nghĩ phong bì về mặt bản chất chỉ là phần vỏ nó đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi không phải là nhà triết học nên không có cái bình sâu hơn nhưng với thực tế như vậy tôi muốn gợi mở để chúng ta có cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Từ ý đó tôi có bài thơ như sau:
Mang  tên chữ đặt cái phong bì
Sướng khổ ai ơi cứ phải đi
Chọn nghĩa cho nên ôm lấy vạ
Vì tình chẳng ngại tị cùng suy
Danh thơm ngán ngẩm không tìm thấy
Tiếng xấu thôi đành biết nói chi
Thiên hạ làm gì xin phó mặc
Quanh năm ngậm miệng chỉ cười khì.

Tiếp tục với chuyện phong bì, về mặt dân sự có nhiều ý kiến như: thay vì một chức năng duy nhất trước đây là vỏ đựng thư, nay chiếc phong bì về nội hàm cũng chỉ để bỏ tiền, nhưng lại trở thành loại hình đa phương tiện.
Nếu ai đó không tin, hãy liệt kê ra thử mà coi. Đi ăn cưới, dự lễ tang để cho gọn nhẹ, người ta cũng đóng phong bì. Thậm chí, nói bảo ác khẩu, nhưng nhiều gia đình, nhiều cặp cô dâu, chú rể chẳng cần biết có sự hiện diện của bạn bè, người thân ở bàn tiệc ra sao, mà thường điểm danh hoặc kiểm tra “lòng tốt” trong vỏ cái phong bì đó như thế nào khi về nhà. Ai tốt, ai quan hệ tốt biết ngay, cần chi phải đoán theo cách cổ điển “nhìn mặt mà bắt hình dong” cho mệt.
Còn vấn đề xã hội phong bì có thể tạm chia làm mấy loại chính sau:
Loại thứ nhất là đút lót cho quan tham, với mục đích đạt được những quyền lợi bất hợp pháp, thậm chí gây hại cho xã hội.
Loại thứ hai là chi phong bì cho quan chức, nhân viên hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho những quyền lợi hợp pháp.
Loại thứ ba là việc phát phong bì đại trà trong các hội nghị, hội thảo.
Phong bì ngày nay đã trở thành một loại hình văn hóa mới, “văn hóa phong bì”. Giao dịch, quan hệ phong bì bỗng chốc trong xã hội trở thành luật bất thành văn. Không có nó khiến mọi người không yên tâm.
Bằng cái nhìn của người viết thay cho lời kết chỉ mong sao chiếc phong bì mau chóng trở thành câu chuyện của thì quá khứ, là một “tàn dư” của thời kinh tế chuyển đổi.
                                                      

                                                                                                                                              Phó Mộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét