Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Miền gió trăng


Nhẹ nhàng em đến bên tôi
Chầm chậm từng bước thế rồi vấn vương
Đam mê nghệ thuật nên thương
Đa đoan cái nghiệp đoạn trường thêm sâu
Buồn buồn vơ vẩn đẩu đâu
Con tim thắt lại nỗi đau đi về
Chỉ là một chút tình quê
Trong veo mộng ước lời thề trao duyên
Chỉ ôm cái bóng theo thuyền
Giật mình tỉnh giấc qua miền gió trăng…

                                  22/12/2016

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Hai tuần


Thế là ông đi được hai tuần
Hôm nay con cháu lại quây quần
Hương thơm một nén, trà vài chén
Tưởng nhớ tới ông dạ mấy phần

Thế là ông đi được hai tuần
Hàng xóm nhớ ông, qua mấy lần
Bóng đâu không thấy, hình còn đó
À! ông đã thoát cõi hồng trần

Thế là ông đi được hai tuần
Trời mưa lất phất ở ngoài sân
Có phải ông về thăm con cháu?
Một chút nhớ thương, dạ tần ngần

Vẫn biết ông đi đã hai tuần
Nhưng mà trong dạ còn phân vân
Vợ già quên, nhớ, ông có biết
Cùng một thời khuya sớm tảo tần

Ừ! ông đi đã được hai tuần
Hôm nay con cháu vẫn quây quần
Hương thơm còn tỏa, đèn còn sáng
Ở ngoài sân mưa đã vơi dần.

           Bắc Ninh, ngày 31/12/2009
                       Nguyễn Thạc Điền

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

HẬU DUỆ ỨC TRAI

      
氣 英 雄
神 擇 選
彌 彰
                                 辛
                           
Phiên âm:
      HẬU DUỆ ỨC TRAI
Dũng khí anh hùng việt sử biên
Ức Trai hậu duệ lịch quang niên
Tiểu phàm đối diện ba phong cụ
Y cựu địch thân thủy vũ phiên
Ý trí canh thùy tâm đích hướng
Tinh thần trạch tuyển tứ thuần duyên
Di chương dịch thế lưu danh phẩm
Xã tắc ân ba vạn đại truyền.
           Tân Mão mạnh Đông
              Nguyễn Thạc Điền bút

Dịch nghĩa:
Dũng khí anh hùng ghi trong sử Việt Nam
Hậu duệ của Nguyễn Trãi sáng muôn năm
Như một con buồm nhỏ chống chọi với bão táp
Tựa chiếc áo cũ phải che thân lúc mưa giông
Ý chí bao trùm chuyền đổi, tâm đã có đích đến
Tinh thần lựa chọn tư tưởng tập chung về một hướng (Cách mạng)
Rực rỡ  chuyển các đời giữ lại danh tiếng và phẩm chất
Đất nước nhớ công đức truyền đi mãi
                       Đầu Đông năm Tân Mão
                       Nguyễn Thạc Điền viết
TẢN MẠN VỀ PHONG BÌ
Trong cuộc sống thời kinh tế thị trường ngày nay có nhiều vấn đề nảy sinh khiến chúng ta phải suy nghĩ, ở đây tôi muốn bàn đến lĩnh vực phong bì, phong bao. Thực ra văn hóa phong bì có từ rất lâu rồi nhưng nó chỉ xuất hiện với nghĩa cử cao đẹp của cha ông ta, bằng cách trả ơn hay giúp đỡ nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Trở lại với hiện tại, văn hóa phong bì không còn dừng lại ở nghĩa cử đó mà nó còn biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau tinh vi, nguy hiểm hơn cho xã hội. Người ta lợi dụng phong bì sử dụng bằng nhiều mục đích khác nhau, thuộc nhiều nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đơn cử trong lĩnh vực giáo dục: Thời xưa, cả thầy lẫn trò đều khó khăn như nhau, thậm chí phải cưu mang giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu để học tốt, dạy tốt. Còn bây giờ là thời của kinh tế thị trường. Đồng tiền đã đi vào mọi mối quan hệ. Người ta thường nói phú quý sinh lễ nghĩa là vì vậy. Thậm chí có những người chưa được phú quý cũng phải cố mà chạy theo lễ nghĩa trong cái xã hội này. Vì vậy, văn hoá phong bì xuất hiện trong nhà trường là điều không thể tránh khỏi. Mà đã là hiện tượng văn hóa thì khó xóa bỏ lắm, dù không ai muốn nó phát triển. Nhà trường cũng là một xã hội thu nhỏ và quan hệ thầy trò cũng có nhiều dạng. Nhưng rốt cuộc đó cũng là một loại quan hệ xã hội. Chúng ta cũng không nên đặt nhà trường, quan hệ thầy trò ra ngoài xã hội; như thế sẽ siêu hình và không thực tế.
Còn  ở nông thôn thì sao? Khó khăn trăm bề, nhất là với những người cao tuổi không còn sức lao động, con cái thì nghèo, kiếm tiền đã khó mà cỗ bàn thì liên miên. Thực tế đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhiều cụ nhà ta khỏe mạnh bình thường nhưng vẫn phải cáo ốm khi có con cháu mời cỗ hay có cụ đang ở trong nhà nghe có người mời lại nói với cháu là đi vắng để rồi đổ tiếng xấu cho con trẻ là có cỗ không mời, trẻ nhà quên không bảo… Các bạn thấy đấy chuyện phong bì không còn của riêng ai nữa. Cụ Phạm Sơn ở Tiến Bào, Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh còn viết thành thơ:
Tình cảm ngày nay kể cũng kì
Ai mời uống rượu phải phong bì
Nhiệt tình rỗng túi đành vờ ốm
Sốt sắng không hào ngại chẳng đi
Hỏi vợ lắc đầu không cả nói
Xin con ngậm miệng chỉ ngồi ỳ
Văn minh trả thấy tình thì cạn
Xã hội nên bàn dẹp nó đi.

Tiếng là vậy, nhưng chúng ta phải nhìn nhận vấn đề cho thật công bằng. Bản thân cái phong bì nó không có lỗi mà đúng ra người sử dụng nó mới là đáng bàn. Nó là cánh ứng xử, là văn hóa sống với nhau, thiết nghĩ phong bì về mặt bản chất chỉ là phần vỏ nó đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi không phải là nhà triết học nên không có cái bình sâu hơn nhưng với thực tế như vậy tôi muốn gợi mở để chúng ta có cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Từ ý đó tôi có bài thơ như sau:
Mang  tên chữ đặt cái phong bì
Sướng khổ ai ơi cứ phải đi
Chọn nghĩa cho nên ôm lấy vạ
Vì tình chẳng ngại tị cùng suy
Danh thơm ngán ngẩm không tìm thấy
Tiếng xấu thôi đành biết nói chi
Thiên hạ làm gì xin phó mặc
Quanh năm ngậm miệng chỉ cười khì.

Tiếp tục với chuyện phong bì, về mặt dân sự có nhiều ý kiến như: thay vì một chức năng duy nhất trước đây là vỏ đựng thư, nay chiếc phong bì về nội hàm cũng chỉ để bỏ tiền, nhưng lại trở thành loại hình đa phương tiện.
Nếu ai đó không tin, hãy liệt kê ra thử mà coi. Đi ăn cưới, dự lễ tang để cho gọn nhẹ, người ta cũng đóng phong bì. Thậm chí, nói bảo ác khẩu, nhưng nhiều gia đình, nhiều cặp cô dâu, chú rể chẳng cần biết có sự hiện diện của bạn bè, người thân ở bàn tiệc ra sao, mà thường điểm danh hoặc kiểm tra “lòng tốt” trong vỏ cái phong bì đó như thế nào khi về nhà. Ai tốt, ai quan hệ tốt biết ngay, cần chi phải đoán theo cách cổ điển “nhìn mặt mà bắt hình dong” cho mệt.
Còn vấn đề xã hội phong bì có thể tạm chia làm mấy loại chính sau:
Loại thứ nhất là đút lót cho quan tham, với mục đích đạt được những quyền lợi bất hợp pháp, thậm chí gây hại cho xã hội.
Loại thứ hai là chi phong bì cho quan chức, nhân viên hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho những quyền lợi hợp pháp.
Loại thứ ba là việc phát phong bì đại trà trong các hội nghị, hội thảo.
Phong bì ngày nay đã trở thành một loại hình văn hóa mới, “văn hóa phong bì”. Giao dịch, quan hệ phong bì bỗng chốc trong xã hội trở thành luật bất thành văn. Không có nó khiến mọi người không yên tâm.
Bằng cái nhìn của người viết thay cho lời kết chỉ mong sao chiếc phong bì mau chóng trở thành câu chuyện của thì quá khứ, là một “tàn dư” của thời kinh tế chuyển đổi.
                                                      

                                                                                                                                              Phó Mộc

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

KHÁNH THỌ

         慶
慶 賀
                辛 卯
             阮 碩 田
Phiên âm
             KHÁNH TH
Nhất thế vi sư nhất thế vinh
Thất tuần khánh hạ tráng gia thanh
Thiên ban phúc lộc nhân tăng thọ
Tổ độ khang cường tuệ mãn minh
Tình trọng thi hào lưu nhã thức
Ân ba tôn tử kế tu tinh
Lan bằng thụ sắc khai tâm chúc:
“Thọ tỉ nam sơn, điệp lãng vinh”
           Tân Mão trọng Đông
           Nguyễn Thạc Điền bút
Dịch nghĩa
                     CHÚC THỌ
Một đời làm nghề giáo một đời vinh hiển
Chúc thọ bẩy mươi tuổi rạng gia đình có truyền thống
Trời ban cho phúc lộc người thêm thọ
Tổ độ sức khỏe dồi dào trí tuệ minh mẫn
Tình sâu nặng, thi hào lưu lại ân tình tri thức
Nhớ ơn đức, con cháu kế thừa học tập những điều tốt đẹp
Bạn bè nhận lời mời vui vẻ chúc:
“ Thọ như núi Nam, vẻ vang tựa sóng trùng điệp”
                Giữa mùa Đông năm Tân Mão

                     Nguyễn Thạc Điền viết

* Bài viết chúc thọ ông Nguyễn Văn Chiểu.

ĐI HỘI CHÙA



Ngày ấy tôi đi trẩy hội chùa
Xuân tràn mầu áo sắc xuân đưa
Hương bay bảng lảng vương trên tóc
Lá rụng bên đường, lất phất mưa

Giữa động Tam Thanh thấy bóng hồng
Kìa người năm cũ, phải em không
Vẫn đôi kính trắng, người thon thả
Mắt biếc môi hường lắm kẻ trông

Cái thời non trẻ thủa đôi mươi
Anh chỉ nhìn em chỉ mỉm cười
Đâu dám ngỏ lời, đâu dám nói
Thương thương nhớ nhớ đến ngây người

Hàng ngày lên lớp thoáng nhìn em
Vớ vẩn trong đầu chả vẽ thêm
Giấy mực vương mầu càng rối trí
Trả bài nguệch ngoạc đến lem nhem

Ra trường hai đứa cách hai nơi
Thấm thoắt thoi đưa hết cái thời
Tôi mải công danh lo sự nghiệp
Em thành thiếu phụ vẫn ơi ơi

Hôm nay gặp lại thấy xiêu lòng
Vẻ đẹp dịu dàng mắt sáng trong
Em vẫn là em, em vẫn vậy
Bóng hình lộng lẫy rẽ người đông.

2/3/2014
PM

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

MÙA HOA GẠO


Tháng ba hoa gạo đỏ au
Tuổi thơ sống lại cho nhau một thời
Hồn nhiên nhặt cánh hoa rơi
Đem về ép sách gửi người nhà bên
Thế rồi hai đứa lớn lên
Em theo bố mẹ quên tôi ở nhà
Nhà em xa quá là xa
Anh không gặp được để mà hỏi thăm
Đường dài đã mấy mươi năm
Xem chừng cũng độ cả trăm trăng tròn
Thư đi, thư lại mỏi mòn
Bao nhiêu hẹn ước sắt son đá vàng
Những là dẹp bỏ trái ngang
Những là ấy chuyện lỡ làng thế thôi
Thầm mong em lại với tôi
Cho nhàu tâm sự vơi đôi võ vàng  
Cuộc đời rồi cũng sang trang
Tôi đi lấy vợ còn nàng lên duyên
Hôm nay nhìn lại nhà bên
Vườn không, nhà trống, đất nền xanh rêu
Gạo già rụng lá bao nhiêu
Hoa tàn trước ngõ thêm nhiều vấn vương.

               13/3/2014
                PM   

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

NGHĨA LẬP VÀ NGỌC LÔI

NGHĨA LẬP VÀ NGỌC LÔI
NÉT ĐẸP VĂN HÓA - KẾT CHẠ

                   Về Nghĩa Lập chúng tôi được nghe người dân truyền nhau câu chuyện “kết Chạ” hay còn gọi là kết nghĩa làng chạ - một phong tục có từ rất lâu đời của làng Nghĩa Lập và làng Ngọc Lôi, tới nay vẫn được người dân duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê.
          Nói về “kết Chạ”, mấy anh trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh cho biết: Phong tục “kết Chạ” có từ rất lâu đời ở vùng đất Kinh Bắc này, mà nguồn cội xa xưa nhất được bắt đầu từ thời người dân ở nơi đây còn thưa thớt, sống heo hút hoang vắng giữa bao la núi rừng và thú dữ. Bởi vậy, dân hai làng cận kề nhau xích lại gần nhau, kết nghĩa anh em để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, chống lại thiên tai địch họa, thú dữ và chia vui sẻ buồn trong cuộc sống.
                    Trở lại với hai làng Nghĩa Lập và Ngọc Lôi, chuyện rằng: Thời xa xưa, làng Nghĩa Lập có tu bổ và xây dựng lại đình. mà vật liệu để xây đình chủ yếu là gỗ lim, khi số gỗ lim được chuyên trở khó khăn bằng đường sông (vì thời đó đường bộ không thuận tiện và không phải là chủ yếu) qua làng Ngọc Lôi, được dân làng Ngọc Lôi ra trợ giúp nhiệt tình. Ít lâu sau ngôi đình làng Nghĩa Lập được xây dựng khang trang tố hảo.  
          Cảm kích trước nghĩa cử của thôn Ngọc Lôi, hai làng quyết định nhận nhau làm anh em. Từ câu chuyện con giúp nhau trở gỗ tình cảm, ơn nghĩa hai làng bắt đầu nảy sinh. Qua thời gian, tình cảm đó ngày càng được vun đắp, xây dựng thêm bền chặt và kết quả là hai làng kết Chạ với nhau. Trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc hai bên không có điều kiện qua lại với nhau. Thời gian này đã bị gián đoạn sau hòa bình khoảng thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước đã được dân hai làng nối lại, từ đó đến nay tình anh em hai làng Ngọc Lôi và Nghĩa Lập thường xuyên được duy trì.
          Nét đặc biệt chung của hai bên đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh. Đó là cách gọi xưng hô khiêm nhường, tôn kính nhau. Từ cách xưng hô đến cử chỉ họ đều trân trọng nhau, chan hoà cởi mở như người trong một nhà. Họ còn quan niệm dân làng hai bên đều là “dân xã cả, anh em một nhà”. Họ cùng quy ước với nhau: trai gái hai làng không được lấy nhau, không gây bất hoà, đối xử với nhau thân tình, giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, cuộc sống… Hai bên còn cam kết đi lại thăm hỏi nhau vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ…
Đội tế của thôn Nghĩa Lập
          Ngày hội của những làng kết nghĩa bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì có cả làng anh sang chung vui. Trong ngày này, những người con xa quê  bao giờ cũng nhớ tìm về hội làng. Trước ngày hội, người người, nhà nhà đều náo nức chuẩn bị. Gói bánh trái, sắm lễ vật lên đình chùa và quần áo là lượt đi đón làng anh. Đặc điểm nổi bật vào ngày hội giữa hai làng kết chạ là cùng tổ chức đoàn đón rước nhau. Đúng giờ quy ước, cả hai làng với đầy đủ thành phần cùng xuất hành từ làng mình tiến sang làng bên. Đến giữa đường gặp nhau, làng anh, làng em cung kính vái chào. Rồi anh trước em sau, cả hai làng cùng tiến vào đình, chùa làng có hội để làm lễ. 
          Họ cùng cầu chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hoà, làm ăn tấn tới, tình anh em gắn kết bền chặt. Những lời ca, tiếng hát, những trò vui của ngày hội được làng anh và làng em trổ sức đua tài đến thâu đêm. Tan hội ra về, bao giờ làng em cũng có đoàn tiễn làng anh đúng đến điểm gặp lần trước, cung kính vái chào nhau và hẹn gặp lại mùa sau.
          Kết chạ quả là một nét đẹp văn hóa làng mang đậm bản sắc dân tộc trong đời sống cộng đồng ở làng quê Việt Nam nói chung và hai làng Nghĩa Lập - Ngọc Lôi nói chung…

2/2014
Phó Mộc

NHẤT THẾ ANH TÀI

 世  
世 界
                碩 田 筆
Phiên âm:
    NHẤT THẾ ANH TÀI
Doanh nhân thi sĩ nhất anh tài
Mỹ nghệ vi cơ thị mộc khai
Tứ hải hưng long lưu sản phẩm
Tam giang mậu thịnh xuất chi mai
Giao tình huệ nhãn truyền nhân đức
Thương vụ minh đầu thụ trí nai
Thế giới kim môn tồn sự nghiệp
Duy hinh phát tiết vĩnh vô nhai
              Nguyễn Thạc Điền bút
Dịch nghĩa:
         
                MỘT ĐỜI TÀI GIỎI
Doanh nghiệp, nhà thơ một người tài giỏi
Nền tảng thủ công mỹ nghệ mở ra thị trường đồ gỗ
Hưng thịnh bốn biển lưu thông hàng hóa
Tốt tươi ba sông xuất hiện thương hiệu “Bông Mai”
Tầm nhìn nhân ái kết giao để lại nhiều nhân đức
Tư chất thông minh với công việc thể hiện người có tài.
Ghi nhận sự nghiệp bằng cúp “cổng vàng” Châu Âu
Hương thơm duy nhất phát ra không bao giờ mất.
                                 Nguyễn Thạc Điền viết
Dịch Thơ:
Doanh nhân thi phú đa tài
Xây nền đồ gỗ khảm trai tạo nghề
Thương trường, sản xuất đam mê
Bông mai nở rộ miền quê chạm rồng
Ngoại giao nhân ái kết thông
Thấu tình đạt lý việc công rạng ngời
Cúp vàng lưu giữ cho đời
Hương thơm chỉ một, rộn  trời Á Âu.

CHỊ


Hai tay tôi run run cắm ba nén hương lên bàn thờ, trước di ảnh của chị. Qua làn khói hương mỏng, tôi cảm thấy như chị đang nhoẻn miệng cười với tôi. Vái ba vái, tôi bước tới cái bàn nhỏ đã cũ và ngồi xuống rót trà vào chén, cầm chén trà trên tay hương trà tỏa lên ngan ngát. Mắt tôi nhìn về phía xa như vô tận, những hình ảnh của chị hiện về trong kí ức của thời thơ ấu.
          Chị em tôi lớn lên trong ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo. trong nhà không có gì đáng giá, chị Dậu còn có chó để bán nhưng chị em tôi đến mơ cũng khó chứ chưa nói là thành hiện thực. Khi lên một tuổi mẹ bị chết đuối, lúc đó tôi quá nhỏ không thể nhớ được gì hết. Nghe người làng nói mẹ bị điên điên, dại dại đi lung tung gặp gì ăn đấy trông tội lắm. Một hôm mấy bác chài lưới đi kiếm cá sớm phát hiện mẹ bị chết ở mặt chuôm cách làng khoảng một km.
          Từ đó ba bố con tôi dựa vào nhau mà sống, bữa đói bữa no. Bố thì mò cua bắt ốc, kiếm được thứ gì có giá một tí là đổi lấy gạo ăn. Cái dáng gầy gò, ốm yếu thế nhưng bà con trong xóm khiến làm gì bố tôi cũng làm, miễn là có tiền để về nuôi gia đình. Rồi bố cũng ra đi để lại hai chị em tôi không nơi nương tựa. Mới ba tuổi mà tôi đã phải khăn xô hai lượt, áo tang hai lần. Chị hơn tôi năm tuổi, nhưng trông chị lớn hơn tuổi nhiều, do hoàn cảnh khó khăn chị sống trầm lặng, ít nói hơn, nội tâm hơn. có những tối trong bóng đêm đen ngòm, tôi bắt gặp chị đã khóc và khóc thật nhiều.
          Tôi và chị được bà con thương tình, người cho củ khoai, người cho nắm gạo, rồi cũng đủ để chị em tôi lần hồi từng bữa. Với chị em tôi, lúc đó có được bát cơm là hạnh phúc, chứ nói gì đến thức ăn. Càng lớn trông chị càng xinh, da chị trắng hồng, mắt to, đen lay láy. Do hoàn cảnh của chị em tôi như vậy ai cũng thương, nhưng lúc đó vấn đề phân biệt giai cấp vẫn còn nặng nề, chỉ có họ hàng gần với chị em tôi là qua lại nhiều, còn người trong làng họ vẫn ái ngại khi gần chị em tôi. Khó khăn chồng khó khăn, tôi lại là người duy nhất của dòng họ Đinh ở làng, một mình một họ, công việc chính lại do họ ngoại hai bên lo cho chúng tôi.
          Thế rồi hai chị em cũng được đi học. Chị học hơn tôi hai lớp, tuy tôi kém chị năm tuổi nhưng chị học lùi lại ba lớp so với tuổi, bởi vì khi chị đến tuổi đi học gia đình gặp nhiều sóng gió, thế là chị bị chậm mất ba lớp. Chị học thông minh lắm, cũng là cái tuổi lớn hơn cái lớp nên đường học của chị khá dễ dàng. Tôi học không hiểu môn nào là lại vác sách hỏi chị. Chị tôi lại trở thành cô giáo bất đắc dĩ, mỗi lần như vậy chị đều khích lệ tôi học. Những lúc như vậy chị thường nói:
          - Em phải cố gắng học giỏi, mai kia đi công tác có lương đỡ khổ, em ạ!
          - Vâng! nhưng mình làm gì có tiền ăn học, mà lương là gì hả chị?
Chị xoa đầu tôi rồi cười:
          - Chị sẽ đi làm để nuôi em. À! Lương là tiền công người ta trả cho mình.
          - Thế còn chị, tôi hỏi?
          - Tùy cơ ứng biến, em ạ!
Tôi biết nhà tôi nghèo như vậy, có học được cũng khó. Nhưng không ngờ chị tôi nói là làm. Học hết lớp bẩy chị thôi không đi học nữa. Trong hoàn cảnh khó khăn đó hợp tác xã, cân đối và trợ cấp cho gia đình tôi vài chục cân thóc một vụ. Cộng với công điểm của chị được thêm một ít nữa nên cũng đủ ăn. Nói là đủ ăn cho nó oai chứ chị em tôi vẫn phải ăn cháo trắng với muối. Trong làng gia đình tôi vẫn thuộc diện nghèo đói. Tuy có mỗi một lao động là chị nhưng hoàn cảnh nhà thiếu thốn đủ bề. Tôi nhớ có một bữa đong gạo nấu cơm quá quy định, vì lúc đó tôi thì tuổi đang lớn đói lắm muốn bữa ăn nó nhiều hơn mọi ngày một tí nhưng biết đâu là đã ảnh hưởng đến bữa khác. Chị tôi về, khi ngồi vào mâm cơm thấy nhiều hơn mọi ngày, bắt đầu hỏi tôi, tôi nói thật ý định của mình: “vì thương chị đi làm đồng cả ngày vất vả” chị không nói không rằng, chỉ ngoảnh mạt đi mà nước mắt chảy dòng trên gò má. Gạt nước mắt rồi chị nói với tôi:
- Từ bữa sau em không được như thế nữa nhé! Nếu em nấu như thế một tháng tới chị em mình không có gì mà ăn.
- Vâng!
Tôi ấp úng trong miệng không ra tiếng, có lẽ cũng lơ mơ hiểu được nỗi niềm của chị.
Cứ thế rồi hai chị em tôi lớn nên, chị cũng đến tuổi phải lấy chồng. Trong làng có một vài đám đánh tiếng nhưng không hiểu sao chị không đồng ý ai cả. Mãi sau này tôi tìm hiểu ra mới biết. Chị không đồng ý ai bởi vì chị thương tôi còn nhỏ. Chị mà lấy chồng  thì ai lo cho tôi. Lấy chồng phải ăn phận nhà chồng, lúc nào mà quản lý em từng ngày, “để em bơ vơ tội nghiệp.” chị nói với mọi người thế. Tôi biết chị còn yêu một anh cạnh nhà, không biết hai người có hẹn hò gì với nhau chưa, nhưng hôm nghe thấy anh ấy hy sinh ngoài mặt trận phía Bắc, về nhà chị khóc nhiều lắm.
Thấm thoắt thoi đưa, tôi cũng học xong lớp đại học ra trường xin vào làm việc tại huyện ủy, vì biết được gia cảnh nhà tôi mọi người thương nên nhận ngay. Tôi làm cái anh văn phòng chỉ đâu là đánh đó. Còn chị tôi vẫn ở vậy, ngoài ba mươi nhưng vẫn còn trẻ đẹp. Bạn bè  anh em của tôi vào chơi chị rất vui.
Lại có một số đám đến hỏi chị, nhưng lần này không phải là trai tân mà toàn rổ, rá cạp lại. Thực ra vào cái tuổi chị tôi bây giờ không còn thanh niên nào ở độ tuổi đó là phòng không. Làng tôi cứ mười tám, hai mươi là họ đã dựng vợ, gả chồng hết nhẵn rồi, nếu còn lại chỉ ở  dạng  sứt môi, lồi rốn thôi. Người như chị tôi là rất hiếm. Mãi rồi chị cũng đồng ý một đám. Chồng chị có bốn con, ba trai một gái. Nhà chồng chị ở làng bên, anh rể trước đây đi công nhân, giờ đã nghỉ hưu non. con cái cũng phương trưởng cả, vợ cũ của anh bị bệnh chết cách đây mấy năm. tuổi anh cũng xấp xỉ năm mươi, trông còn tráng kiện lắm. Anh chị sống được thời gian, cũng sinh được thằng cu rất kháu khỉnh. Vì bên nhà hoàn cảnh con đông đất thì chật, nhiều sinh hoạt bất tiện. Tôi bàn với anh chị mua lấy miếng đất bên làng mình, để sau này có chị, có em nó gần gận. rồi mọi thứ cũng thành hiện thực anh chị dựng được cái nhà cấp bốn ba gian và một cái sân nhỏ. Hàng ngày chị vẫn sáng đi tối về. chằng là chị vẫn thu tiền vé chợ, cái xuất đó chồng chị lo cho. Chợ làng bên to nhất vùng vì thế lưu lượng người tới chợ cũng đông, bây giờ anh chị cũng có của ăn của để.
Tưởng là “khổ tận cam lai” hết khổ đến ngọt bùi,  ai dè một căn bệnh quái ác đã ập đến với gia đình tôi. Chị bị ung thư tử cung. Thế là hết, tôi thấy như trời sập, mọi thứ hình như không mỉm cười với chúng tôi. Đúng là “chó cắn áo rách” tôi nghĩ, vừa thoát đói một tí thì chị tôi đổ bệnh. Rồi cái gì đến nó cũng đến, chị tôi nằm xuống để lại thằng con lên ba tuổi, nhìn thằng bé thắt khăn xô trên đầu mà ngẫm tới thân mình, cũng  ở độ tuổi nó bây giờ tôi mất cả cha lẫn mẹ.
Tôi ngồi thừ người nhìn ra bụi tre ngoài ngõ, mắt mải dõi mấy con gà con nháo nhác lạc mẹ. mà lòng thấy nhoi nhói đau. Bỗng có tiếng gọi:
- Cậu ơi! cậu…
Rồi thấy như có ai lay lay tay tôi, tôi choàng tỉnh. thì ra cu Bi đầu vẫn thắt khăn xô trên đầu, ở đâu vào nhà lúc nào mà tôi không hay. Tôi giơ hai tay bế nó vào lòng…
                                                                              
 16/10/2012
 Phó Mộc     

ĐẠI SỰ

            Mấy ngày hôm nay cả Dậu đứng ngồi không yên, hết đi ra lại đi vào. Bởi, gia đình Dậu chuẩn bị lo việc đại sự. Từ trước đến giờ Dậu đã lo nhiều việc nhưng không việc nào lo bằng việc này; nào là  khao thọ bố, khao thọ mẹ nào là giỗ chạp… mỗi việc như vậy cũng phải lo vài chục mâm cỗ rồi tổ chức nghi lễ ra trò. Vừa mới đây thôi nhà Dậu lại phải lo đám tang cho cha ấy thế mà nhoáng một cái đã ba năm. Năm nay sau khi thảo luận nội bộ trong gia đình, cả nhà thống nhất sẽ sang cát cho cha, khi còn sống mọi người vẫn gọi là cụ đồ Bốn. Đây không phải là việc trước kia đã từng tổ chức nó khác hẳn vì thế mà cả Dậu phải suy nghĩ nhiều. Tuy bây giờ tiện hơn nhiều là có đầy đủ các dịch vụ để thuê mướn nhưng cái lo của cả Dậu là có nhưng thứ không nhìn thấy được như thầy đặt đất ra sao, thời tiết có ủng hộ không, liệu bố đã sạch chưa hay lại như một số đám nhà bên khi bốc lên vẫn còn nguyên hình người làm cho con cái phải phát hoảng… Còn nhiều thứ khác nữa cứ vẩn vơ trong đầu làm cho Dậu đần cả người.
Rồi cái ngày ấy cũng đến dù trước đấy có trục trặc về thời gian và đã thay đổi, hôm nay dậy sớm hơn mọi ngày, mọi thứ đã thuê mướn tinh tươm, nhưng Dậu phải dậy bắc mấy viên than cho họ hàng đến để có cái mà đun nấu. một lát sau họ hàng đến đông đủ, người nào vào việc ấy như hôm trước họp đã phân công. Tuy hôm nay mới chỉ là ăn nội bộ nhưng cũng nhộn nhịp lắm, khổ nỗi vợ vẫn phải lên lớp dạy hai tiết làm cho Dậu cứ hoắng cả lên thỉnh thoảng lại có người gọi:
- Anh Dậu ơi! mì chính nhà mình ở đâu?
- Có ngay
Dậu lại phải đi lấy cho mọi người, một chốc lại.
- Ông chú món này nấu thế nào nhỉ?
- Ô! tưởng là bà thím đã đưa tờ thực đơn cho cháu rồi, a! mà hỏi vợ chú Hợi ấy.
Cứ như thế một lúc rồi vợ Dậu cũng về, mọi thứ đều êm đẹp. Cỗ cũng lên mâm. Tất cả họ hàng vào bữa vui vẻ, duy có lũ trẻ là đi học về muộn phải ăn sau. trong bữa cỗ có nhiều người quan tâm hỏi:
- Thế hôm nay mấy giờ thì thay áo cho ông?
- Khoảng 2h đêm bác ạ!
Thật ra Dậu cũng cứ trả lời liều chứ có biết giờ giấc gì đâu, vì từ hôm thay đổi ngày đến nay Dậu đã gặp và hỏi được Thầy cúng đâu, đấy là giờ mà ông thầy cúng cho khi xem vào ngày mười chín tháng chạp chứ ngày mồng sáu này không có. Một chốc, mâm bên cạnh ông Hỷ cháu gọi cụ đồ Bốn bằng cậu ruột. Tính ông Hỷ bộc trực nói cứ oang oang.
- Ối dào! thầy bà gì, về có một tý mà biết đất tốt xấu. Từ  bé tới giờ tôi chỉ phục ông cụ Lân cắm đất cho ông ngoại nhà mình, người ta ăn rồi đi vòng quanh làng, qua các thửa ruộng ngắm nghía mãi mới chọn được khoảnh đất đẹp.
Ông Sửu ngồi cạnh nguýt một cái rồi nói:
- Bây giờ có mà thầy tiền.
Ông Hỷ tiếp:
- Hồi còn ông cậu nhà mình cụ vẫn nói: “Nó còn hồng phúc nhà mình nữa chứ, may thì gặp được thầy tốt không toàn đồ ấm ớ.” Nhà cụ lý Xuân ấy, tôi chứng kiến ông Lân cắm đất cho và nói sau này sẽ đẻ con trai. Nghe đâu ông ấy còn nói: " Sẽ có con trai nhưng chúng không thành đạt và giàu có hơn người".  Thời gian sau cụ lý Xuân đẻ bốn đứa đặc biệt là một cặp sinh đôi. Cụ Xuân nhờ tôi ra mời ông Lân vào ăn đầy tháng cặp sinh đôi, mới đạp xe đến cổng ông Lân đã nói anh ra mời tôi vào ăn mừng sinh con trai phải không? ông ấy làm mình lạnh dựng tóc gáy. đúng là ông lý Xuân sinh đôi luôn hai thằng, thế mới gọi là thầy chứ.
Cả Dậu nói với sang:
- Nhà mình ông ấy cũng đặt cho lên mới có em và chú Hợi còn gì.
Chuyện qua chuyện lại đủ thứ quanh mâm cỗ. Bỗng anh Sửu hỏi Dậu:
- Mấy giờ thầy cúng về hả chú Dậu?
- Một giờ bác ạ!
Bữa ăn cũng xong, một số người về nghỉ, một số thì dọn dẹp còn một số ngồi uống nước. Cánh học sinh bây giờ mới tan học về ríu rít tự tập trung thành mâm rồi đánh chén. Bé nào về sau tự động tìm chỗ ăn, các bé không tự ăn được thì được bố mẹ chăm sóc. Thấy muộn muộn Dậu giở điện thoại ra xem đã một giờ, thế mà thầy chưa tới. Dậu sốt ruột định gọi điện thì có tiếng xe máy đi vào.
- Bác đến muộn quá! Em đang điện cho bác đây.
- Chú không phải lo, anh đã hẹn là đến, làm nhỡ mọi người thế nào được. Chú đã sắp lễ chưa?
- Chúng em chuẩn bị cả rồi.
Chào xã giao xong Dậu quay sang bảo vợ chuẩn bị lễ, như hôm trước đã chuẩn bị, phải làm hai cái lễ; một lễ bên mả tròn để cúng điểm huyệt, phần này do thầy đảm nhiệm; một lễ bên mả dài nhờ bác trưởng họ cúng động thổ để cho cánh thợ đào. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chia việc mỗi người phụ trách một bên, cả Dậu thì cứ lật đật chạy đi chạy lại hai bên. Cả Dậu đèo ông trưởng họ ra mả dài ra đến nơi cánh thợ hôm trước thuê đã trực săn ở đó. Mả dài nằm ở cánh đồng Mang Cá ngày xưa là khu chân ruộng cao, nay do Bãi Cả gần với khu dân cư, chính quyền và các cụ trong làng sợ mất vệ sinh, chuyển thành nơi chôn người mới mất, được khoảng mươi mười năm năm nay. Bãi dài nằm cách làng hơn năm trăm mét về phía Tây Bắc. Bước chân vào đầu bãi là nhà hậu phúc, đi vào bãi là đoạn đường bê tông nó tạo khu bãi thành bốn khoang. Mả cụ đồ Bốn nằm ngay đầu tiên ở khoang thứ ba, khoang áp chót, tức là còn một khoang nữa vẫn là ruộng chưa ai động đến. Nó đã nằm trong quy hoạch của bãi. Khu này bây giờ nhìn thật hoang sơ, cây cỏ mọc tốt um nhưng về mùa này không còn vẻ xanh mát mà thay vào đó là một mầu ngà ngà vàng của cỏ úa, thi thoảng có vài vạt màu xanh bàng bạc của cây rau muống ở ruộng bên bò sang, đây đó loang lổ nhưng mảng đất mới đào rồi vùi vội của nhà trước vừa sang cát, cộng với những vệt đen ngòm và mùi khen khét của cỏ cháy do các nhà đốt áo quan để lại. Dậu lo cho ông trưởng họ cúng thổ địa xong vội vàng phi xe máy sang bên mả tròn. Ở đây thầy cúng và các chị đã chuẩn bị lễ xong.
Lại nói các chị, số là khi chưa có con, ông bà đồ Bốn nhận rất nhiều con nuôi để sau này nhỡ ra không có con thì còn là nơi nương tựa. Bây giờ nhà Dậu có cả thảy hai anh nuôi và một chị nuôi. Nhưng gia đình một anh và một chị vào sinh sống ở trong Lâm Đồng. Hôm cụ đồ Bốn mất các anh chị ấy không về kịp, nên đã gọi điện cho Dậu là: “Khi nào thay áo ông phải báo cho anh chị biết để anh chị về.” Vậy, hôm nay trong Lâm Đồng có một chị nuôi, một là vợ của anh nuôi về lo việc cho ông.
Nơi thầy cắm đất để đặt mả tròn là khu ruộng sau đồng. Chỗ này cũng được địa phương quy hoạch làm nới chôn những người đã mất sau khi sang cát chuyển về đây. Vào được chỗ đặt mộ tròn phải đi qua bãi cả, đây là khu bãi không biết có từ bao giờ mà nay phát triển ra khá rộng. Diện tích vào khoảng hơn nửa km2, bây giờ không có trâu bò chăn thả như ngày xưa nên cỏ mọc tốt um, lổn nhổ những thùng những vũng đi không khéo là ngã. Mọc lên giữa đám cỏ tốt là những ngôi mộ được người ta xây không đồng nhất về kiểu cách, mầu sắc, vật liệu, mạnh ai nấy làm. Hướng mộ cũng vậy, được các thầy đặt cho cái thì quay ngang, cái thì quay dọc chẳng có trật tự nào. Dậu đang mải nghĩ thì có tiếng hỏi;
- Chú Dậu ơi! tờ phân kim anh vừa đưa cho chú ở nhà mang đây để anh cắm đất cho cụ.
- Đây anh.
Chẳng là khi thầy đến có đưa cho Dậu tờ giấy và giải thích về sơ đồ của ngôi mộ. Dậu cầm tờ giấy thấy có nét chữ bằng bút bi chỗ thì xanh chỗ thì đỏ, chữ viết chỗ bằng chữ Hán, chỗ giải thích bằng tiếng Việt. Tuy Dậu có biết ít chữ Hán nhưng mới nhìn vào nó cứ rối tinh cả nên, nào thì dần, nào thì mão, nào khảm, nào cấn… Ôi! ù càng cạc cả đầu. Cuối cùng thì cũng nhận ra hướng của mộ sẽ đặt, nó là hướng Đông lệch khoảng 1o Nam gì đấy, hướng này ứng với “Khí Canh Thìn”. Thầy giải thích hướng này là long mạch sẽ phát về văn chương. Trước khi đưa cho Dậu thầy có nhắc: “ tí ra ngoài ấy chú mang ra cho tôi nhé!”
Thầy cúng vừa cúng xong, nhắc mọi người đi hóa mã và tán lộc cho những người có mặt ở đấy. Chị Nhị vợ anh con nuôi lớn cầm tiền cúng và ít trái cây đi phát lộc, người thì quả táo với năm nghìn, người thì quả khế với ba nghìn… Phát lộc xong chị thu lại một phần, một phần làm quà biếu thầy cúng. Ông thầy cúng cắm xuống đất một chiếc đũa làm tâm và chiếc kia quấn vào dây gai quay một vòng tròn để cho thợ đào. Một lát thầy nói với Dậu và mọi người:
- Bây giờ tôi về, hai giờ sáng mai tôi lại có mặt ở đây. Nhớ nhắc với mọi người là cả hai bên động thổ lúc hai giờ năm nhé! còn rạng sáng mai bật nắp thiên vào ba giờ năm, làm thế nào tắm rửa cho cụ khoảng một tiếng, bốn giờ năm là về đây tôi làn thủ tục yên vị cho cụ.
  - Vâng!
Dậu cất tiếng và quay sang hỏi cánh thợ đào đứng ngay bên cạnh.
- Trong vòng một tiếng các chú làm có xong được không?
- Được, nhưng ông nhà mình phải sạch, nếu chưa sạch thì khó lắm.
Cánh thợ phân bua. Thấy thế thày cúng thêm vào:
- Cùng lắm là bốn giờ hai năm thôi, mai chỉ có giờ dần là đẹp không được sang giờ khác đâu.
- Thôi cố gắng khắc phục vậy. à! mà vừa nãy thầy bảo đường kính mộ và sâu bảo nhiêu nhỉ?
- Sâu là một mét linh bẩy và rộng một mét linh bẩy, thầy tiếp lời.
Công việc bàn giao cho thợ xong mọi người cùng nhau ra về. Dậu ở lại với cánh thợ đào phần đất mà thầy vừa vạch. Đúng hai giờ năm cả hai bên bắt đầu đào. Dậu đi xem một vòng các mộ hàng xóm với ông, quay trở lại chỗ hai người thợ đang đào. Một người cất giọng.
- Anh cứ về đi. Khi nào đào xong em điện cho anh thì anh ra nghiệm thu.
-Ừ! các chú làm cẩn thận giúp anh nhé.
- Vâng! anh cứ yên tâm.
Dậu đi sang chỗ cánh thợ đang đào bên mả dài. Mả dài cách mả tròn chừng sáu bảy trăm mét gì đó, tuy đứng bên này nhìn thấy bên kia nhưng đường vòng vèo hóa xa. Lúc này đã về chiều, trời không mưa nhưng vẫn còn rét, quang cảnh khô ráo. Xung quanh cảnh vật yên tĩnh chỉ có tiếng cuốc, tiếng mai xắn đất của thợ đang đào. Đứng xem đào là mấy trai họ. Họ vừa dựng xong hai cái lều tạm để tối lấy chỗ cho con cháu ra trông và che áo quan tránh trời mưa. Máy phát điện phòng khi mất điện đã sắn sàng, phần đấu nối điện lưới cũng hoàn tất. Một số thì về, một số đứng lại xem đào tiếp. Sau hai lượt mai đã trạm vào ván thiên, rồi lộ ra hai dây thiếu để khiêng cả cỗ áo quan lên. Cuối cùng họ cũng đào xong rồi khiêng được cả cỗ áo quan lên mặt đất và kê vào chỗ vừa dựng lều.
…………..
Dậu nhìn đồng hồ khoảng mười một giờ rưỡi, khách uống nước đã vãn chỉ còn toàn người nhà với nhau. Một toán bốn năm đứa cháu cắt cử nhau ra trông còn lại thì về ngủ. Ngoài sân mấy bà đàn bà dọn dẹp nốt và chuẩn bị đồ nấu cho ngày mai. Hết khách Dậu khoác máy tính trên vai rồi lóc cóc phi xe máy ra ngoài bãi với anh em. Gặp Hợi Dậu hỏi:
- Chú có biết mấy tay thợ đào mộ đi đâu không?
- Hình như đi chới với cu Đường.
- Ừ! Thế chứ vừa thấy đội ấy về ăn, mải tiếp khách nhìn ra đã không thấy cánh ấy đâu cả.
- Anh hỏi để làm gì?
- Xem tối nay họ ngủ nghê thế nào để mình còn biết chừng, với lại sáng mai phải ra đúng giờ chứ không nhỡ hết thì toi.
- Ối dào! chúng nó chuyên nghiệp rồi lo gì. Ở cái làng này chỗ nào hội ấy chẳng quen, kệ nó.  
Đến đấy thì Dậu mới bớt lo. Quay sang mấy đứa cháu động viên chúng họp mấy hội chắn cho vui. Mấy tay thạo chắn, phỏm thì không thích chơi cò con, còn hạng nhàng nhàng thì người thích phỏm, người thích chắn. Dậu co kéo mãi cũng thành bàn chơi nho nhỏ.         
Cảnh vật về khuya yên tĩnh lạ thường, trời không mưa nhưng vẫn rét căm căm gió nhè nhẹ thổi, sương đêm xuống làm tăng thêm cái giá rét. Giữa bãi tha ma đen ngòm ẩn hiện những nấm mồ mới cũ qua ánh đèn yếu ớt từ trong lều hắt ra. Trên không trung thi thoảng có tiếng chim đi ăn đêm kêu lên một tiếng làm lạnh cả gáy. Nhìn sang lều bên là cái quan tài được đưa nên từ chiều xung quanh còn lấm lem những đất, nằm ngay bên cạnh là cái tiểu sành. Bên ngoài chốc chốc lại có tiếng xe máy đi ra, đi về của con cháu. Dậu bật máy tính, mở phim cho mọi người xem rồi chui vào chăn nằm với mấy tay không chơi chắn. Tuy chui vào chăn ấm như trong lòng Dậu vẫn lo âu, cố nhắm mắt để ngủ nhưng không được, lúc bị kéo chăn, lúc thì lại có người chui vào thêm nên không tài nào ngủ được. Dậu lẩm bẩm đêm nay sao nó dài thế! rồi nghĩ, các cụ nói cấm có sai “thức khuya mới biết đêm dài…” Mấy tay ngồi đánh chắn thấy rét hò hét nhau đốt củi cho ấm. Oái oăm thay củi đốt lên ấm hơn nhưng phải tội cái là khói quá không chịu được lại tắt đi, thôi thì đành chịu rét vậy.
Bên ngoài mọi người đã kéo ra mỗi lúc một đông, Hợi nói với Dậu:
- Anh gọi cho cánh thợ ra dần đi là vừa.
Dậu nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ sáng rồi dơ điện thoại ra gọi;
- A lô! chú Đạt phải không? ra đi sắp đến giờ rồi.
Đầu máy bên kia có tiếng trả lời.
- Anh à! chúng em chuẩn bị ra đây.
Ngoài trời bắt đầu lất phất mưa, nhóm nằm ở chăn ấm nhỏm cả dậy thu lại một góc để tránh mưa. Mấy tay chơi chắn cũng nghỉ, quay sang xem phim với mọi người.
Đúng ba giờ năm ván thiên bắt đầu bật ra, một người cầm can rượu năm lít đổ vào khắp hài cốt, mùi rượu cộng với mùi hài cốt bốc lên lồng lồng, hăng hắc.  Nhóm bốc mộ đã cắt đặt ai vào việc đó. Bên ngoài rộ nên tiếng khóc.
- Ới!... ông ơi!
Nhìn vào bên trong quan tài lùng nhùng áo quần thỉnh thoảng hở ra ít xương lấm bùn đất. Tay thợ phụ trách bốc phần xương trong quan tài cầm kéo cắt đi lượt áo để hở ra khoang ngực toàn xương sườn và xương sống nằm lộn xộn không có trật tự nào. Hắn bắt đầu bê cái sọ ra tắm rửa cho cụ, bên ngoài xút xoa.
- Xương vàng thế, đẹp đấy!
Chốc chốc lại có tiếng của tay xếp xương bên tiểu sành hỏi:
- Xương này bên trái hay bên phải thế?
- Phải đấy! tiếng trả lời của tay bốc từ quan tài.
Ngoài lại có tiếng thêm vào.
- Nhanh tay lên sắp bốn giờ rồi.
Cánh thợ vẫn thoăn thắt tháo tác của mình, tay thợ rửa xương bằng nước sạch, chuyển qua thợ rửa nước vang, chuyển cho tay xếp xương lau bằng khăn mặt sạch rồi xếp vào tiểu theo thứ tự của từng loại xương. Công việc xắp xong thì mất điện, nhóm phụ trách máy phát giật vội máy nổ, mọi thứ lại đâu vào đó đến lúc xong việc. Lúc này trời vẫn mưa, công việc tất bật làm Dậu quên cả rét.
Để cánh thợ buộc chặt tiểu lại, Dậu bê cái tiểu lên xe rồi nhờ người trở vội về bên mả tròn cho kịp giờ. Đường trơn cộng thêm mưa lất phất làm cho tầm nhìn bị suy giảm rất nhiều. Sang đến bãi cả tuy buổi chiều đi lại nhiều nhưng Dậu bê khệ nệ trên tay cái tiểu trong đầy xương cha, Dậu vẫn phải dò dẫm từng bước theo vệt đèn pin của thày cúng. Trong đầu Dậu lúc này chỉ lo nhớ ra vấp vào đâu ngã một cái thì lại công toi, nên không dám đi nhanh.
 Thầy cúng đặt cụ xuống huyệt đào lúc chiều, tự tay mở nắp tiểu ra đặt cái la bàn lên mặt tiểu rồi chỉnh xương, chỉnh tiểu theo hướng đã định. Xong việc cánh thợ lại vùi đất lại như cũ. Thầy cúng bắt đầu làm thủ tục để cúng tạ đất, phía trước là năm con ngựa và vàng mã, con gà, hoa quả…hết phần đọc sớ là phần tụng cho người mất một quyển kinh, thầy đứng dậy nói:
- Hóa mã đi.
Lúc này khoảng bốn giờ rưỡi sáng ngày mồng sáu tháng chạp năm nhâm thìn, Dậu lơ đãng nhìn vào ngọn lửa của vàng mã cháy lên ngùn ngụt, mà lòng thấy nhẹ đi.
…………..
Hôm nay là thứ bẩy, Dậu được nghỉ ở nhà. công việc nghỉ ngơi sau mấy hôm lo việc cho ông. nhìn thấy Hợi đi vào, dậu lên tiếng:
- Chú xem thế nào xây mộ luôn cho ống chứ?
Hợi nhăn nhó phân trần:
- Em nhiều việc quá, với lại kiểu cách thế nào?
- Cứ gọi thợ đi, mộ không chỉ khoảng nghìn gạch là xong.
Thấy Hợi thoái thác Dậu gắt lên:
- Sao hôm trước to mồm, Em gọi thợ cho. Mày không làm được để đấy tao  làm, ngày mai xây luôn.
Dậu không nói không rằng đi xe máy ra mộ ông. Lúc này bên cạnh ông cũng có nhà đang xây mộ, hỏi dò một lúc biết được khối lượng vật liệu và công việc, Dậu gọi ngay hai nghìn gạch  và một xe nhỏ cát. Dậu định nhờ thợ đang làm bên cạnh nhưng họ cáo bận. May mà họ giới thiệu cho người khác kịp thời.
Hôm sau bắt đầu đào móng và xây, kích thước đã đưa, kiểu cách đã vạch hợp đồng tác chiến ăn ý, công việc trôi chảy sau ba hôm hoàn thành. trên bia mộ để ba dòng chữ hán, dòng giữa chữ to nhất theo kiểu chữ lệ ghi là “Nguyễn Văn Bốn chi mộ” tức là mộ của ông Nguyễn Văn Bốn, dòng bên phải chữ nhỏ theo kiểu chữ khải viết là “sinh Giáp  niên” tức là sinh năm Giáp Tý (1924), dòng bên trái cũng kiểu chữ ấy ghi là “Từ trần kỉ sửu niên, thập nhất nguyệt, sơ nhị nhật” tức là; từ trần ngày mồng hai tháng mười một năm Kỉ Sửu (2009). Hai bên cột có đôi câu đối bằng chữ hán cũng kiểu chữ lệ ghi là: “Mộ phần long khí vận, địa mạch thảo hương sinh” nghĩa là: mộ phần có mạch tốt luôn chuyển vận, đất đẹp hương cỏ cây tỏa ra.
Thời tiết hôm nay thật đẹp, bầu trời cao hơn khí trời ấm áp không còn rét như mấy hôm trước, cảnh vật dường như cũng vui theo, sinh động hơn. Dậu đứng ngây người trước mộ cha một lòng thành kính, thế là tâm nguyện của ngời con đối với cha già đã hoàn thành xứ mệnh. Cha đã có ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp, lại gần mấy ông hàng xóm ngày xưa là bạn văn nghệ với nhau, chắc các cụ vui lắm. Dậu hết nhìn mộ lại nhìn lên bầu trời chiều, những đám mây lững lờ trôi. Dậu cảm thấy như có hình ảnh của người cha thân thương đang mỉm cười với Dậu. Trong người Dậu thấy nhẹ nhàng hơn tự nhiên những lo âu của mấy hôm trước tan biến bao giờ không hay, lòng tràn đầy phấn khởi và thầm nghĩ “thế là xong việc đại sự”
29/01/2013
                                                                                                              Phó Mộc  

Hội Nghĩa Lập năm 2014


Nghĩa Lập


Trải nghiệm Tràng An


Lê ăn hỏi Văn Tráng & Hải Yến


CHĂM CHỈ