Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

CHỊ


Hai tay tôi run run cắm ba nén hương lên bàn thờ, trước di ảnh của chị. Qua làn khói hương mỏng, tôi cảm thấy như chị đang nhoẻn miệng cười với tôi. Vái ba vái, tôi bước tới cái bàn nhỏ đã cũ và ngồi xuống rót trà vào chén, cầm chén trà trên tay hương trà tỏa lên ngan ngát. Mắt tôi nhìn về phía xa như vô tận, những hình ảnh của chị hiện về trong kí ức của thời thơ ấu.
          Chị em tôi lớn lên trong ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo. trong nhà không có gì đáng giá, chị Dậu còn có chó để bán nhưng chị em tôi đến mơ cũng khó chứ chưa nói là thành hiện thực. Khi lên một tuổi mẹ bị chết đuối, lúc đó tôi quá nhỏ không thể nhớ được gì hết. Nghe người làng nói mẹ bị điên điên, dại dại đi lung tung gặp gì ăn đấy trông tội lắm. Một hôm mấy bác chài lưới đi kiếm cá sớm phát hiện mẹ bị chết ở mặt chuôm cách làng khoảng một km.
          Từ đó ba bố con tôi dựa vào nhau mà sống, bữa đói bữa no. Bố thì mò cua bắt ốc, kiếm được thứ gì có giá một tí là đổi lấy gạo ăn. Cái dáng gầy gò, ốm yếu thế nhưng bà con trong xóm khiến làm gì bố tôi cũng làm, miễn là có tiền để về nuôi gia đình. Rồi bố cũng ra đi để lại hai chị em tôi không nơi nương tựa. Mới ba tuổi mà tôi đã phải khăn xô hai lượt, áo tang hai lần. Chị hơn tôi năm tuổi, nhưng trông chị lớn hơn tuổi nhiều, do hoàn cảnh khó khăn chị sống trầm lặng, ít nói hơn, nội tâm hơn. có những tối trong bóng đêm đen ngòm, tôi bắt gặp chị đã khóc và khóc thật nhiều.
          Tôi và chị được bà con thương tình, người cho củ khoai, người cho nắm gạo, rồi cũng đủ để chị em tôi lần hồi từng bữa. Với chị em tôi, lúc đó có được bát cơm là hạnh phúc, chứ nói gì đến thức ăn. Càng lớn trông chị càng xinh, da chị trắng hồng, mắt to, đen lay láy. Do hoàn cảnh của chị em tôi như vậy ai cũng thương, nhưng lúc đó vấn đề phân biệt giai cấp vẫn còn nặng nề, chỉ có họ hàng gần với chị em tôi là qua lại nhiều, còn người trong làng họ vẫn ái ngại khi gần chị em tôi. Khó khăn chồng khó khăn, tôi lại là người duy nhất của dòng họ Đinh ở làng, một mình một họ, công việc chính lại do họ ngoại hai bên lo cho chúng tôi.
          Thế rồi hai chị em cũng được đi học. Chị học hơn tôi hai lớp, tuy tôi kém chị năm tuổi nhưng chị học lùi lại ba lớp so với tuổi, bởi vì khi chị đến tuổi đi học gia đình gặp nhiều sóng gió, thế là chị bị chậm mất ba lớp. Chị học thông minh lắm, cũng là cái tuổi lớn hơn cái lớp nên đường học của chị khá dễ dàng. Tôi học không hiểu môn nào là lại vác sách hỏi chị. Chị tôi lại trở thành cô giáo bất đắc dĩ, mỗi lần như vậy chị đều khích lệ tôi học. Những lúc như vậy chị thường nói:
          - Em phải cố gắng học giỏi, mai kia đi công tác có lương đỡ khổ, em ạ!
          - Vâng! nhưng mình làm gì có tiền ăn học, mà lương là gì hả chị?
Chị xoa đầu tôi rồi cười:
          - Chị sẽ đi làm để nuôi em. À! Lương là tiền công người ta trả cho mình.
          - Thế còn chị, tôi hỏi?
          - Tùy cơ ứng biến, em ạ!
Tôi biết nhà tôi nghèo như vậy, có học được cũng khó. Nhưng không ngờ chị tôi nói là làm. Học hết lớp bẩy chị thôi không đi học nữa. Trong hoàn cảnh khó khăn đó hợp tác xã, cân đối và trợ cấp cho gia đình tôi vài chục cân thóc một vụ. Cộng với công điểm của chị được thêm một ít nữa nên cũng đủ ăn. Nói là đủ ăn cho nó oai chứ chị em tôi vẫn phải ăn cháo trắng với muối. Trong làng gia đình tôi vẫn thuộc diện nghèo đói. Tuy có mỗi một lao động là chị nhưng hoàn cảnh nhà thiếu thốn đủ bề. Tôi nhớ có một bữa đong gạo nấu cơm quá quy định, vì lúc đó tôi thì tuổi đang lớn đói lắm muốn bữa ăn nó nhiều hơn mọi ngày một tí nhưng biết đâu là đã ảnh hưởng đến bữa khác. Chị tôi về, khi ngồi vào mâm cơm thấy nhiều hơn mọi ngày, bắt đầu hỏi tôi, tôi nói thật ý định của mình: “vì thương chị đi làm đồng cả ngày vất vả” chị không nói không rằng, chỉ ngoảnh mạt đi mà nước mắt chảy dòng trên gò má. Gạt nước mắt rồi chị nói với tôi:
- Từ bữa sau em không được như thế nữa nhé! Nếu em nấu như thế một tháng tới chị em mình không có gì mà ăn.
- Vâng!
Tôi ấp úng trong miệng không ra tiếng, có lẽ cũng lơ mơ hiểu được nỗi niềm của chị.
Cứ thế rồi hai chị em tôi lớn nên, chị cũng đến tuổi phải lấy chồng. Trong làng có một vài đám đánh tiếng nhưng không hiểu sao chị không đồng ý ai cả. Mãi sau này tôi tìm hiểu ra mới biết. Chị không đồng ý ai bởi vì chị thương tôi còn nhỏ. Chị mà lấy chồng  thì ai lo cho tôi. Lấy chồng phải ăn phận nhà chồng, lúc nào mà quản lý em từng ngày, “để em bơ vơ tội nghiệp.” chị nói với mọi người thế. Tôi biết chị còn yêu một anh cạnh nhà, không biết hai người có hẹn hò gì với nhau chưa, nhưng hôm nghe thấy anh ấy hy sinh ngoài mặt trận phía Bắc, về nhà chị khóc nhiều lắm.
Thấm thoắt thoi đưa, tôi cũng học xong lớp đại học ra trường xin vào làm việc tại huyện ủy, vì biết được gia cảnh nhà tôi mọi người thương nên nhận ngay. Tôi làm cái anh văn phòng chỉ đâu là đánh đó. Còn chị tôi vẫn ở vậy, ngoài ba mươi nhưng vẫn còn trẻ đẹp. Bạn bè  anh em của tôi vào chơi chị rất vui.
Lại có một số đám đến hỏi chị, nhưng lần này không phải là trai tân mà toàn rổ, rá cạp lại. Thực ra vào cái tuổi chị tôi bây giờ không còn thanh niên nào ở độ tuổi đó là phòng không. Làng tôi cứ mười tám, hai mươi là họ đã dựng vợ, gả chồng hết nhẵn rồi, nếu còn lại chỉ ở  dạng  sứt môi, lồi rốn thôi. Người như chị tôi là rất hiếm. Mãi rồi chị cũng đồng ý một đám. Chồng chị có bốn con, ba trai một gái. Nhà chồng chị ở làng bên, anh rể trước đây đi công nhân, giờ đã nghỉ hưu non. con cái cũng phương trưởng cả, vợ cũ của anh bị bệnh chết cách đây mấy năm. tuổi anh cũng xấp xỉ năm mươi, trông còn tráng kiện lắm. Anh chị sống được thời gian, cũng sinh được thằng cu rất kháu khỉnh. Vì bên nhà hoàn cảnh con đông đất thì chật, nhiều sinh hoạt bất tiện. Tôi bàn với anh chị mua lấy miếng đất bên làng mình, để sau này có chị, có em nó gần gận. rồi mọi thứ cũng thành hiện thực anh chị dựng được cái nhà cấp bốn ba gian và một cái sân nhỏ. Hàng ngày chị vẫn sáng đi tối về. chằng là chị vẫn thu tiền vé chợ, cái xuất đó chồng chị lo cho. Chợ làng bên to nhất vùng vì thế lưu lượng người tới chợ cũng đông, bây giờ anh chị cũng có của ăn của để.
Tưởng là “khổ tận cam lai” hết khổ đến ngọt bùi,  ai dè một căn bệnh quái ác đã ập đến với gia đình tôi. Chị bị ung thư tử cung. Thế là hết, tôi thấy như trời sập, mọi thứ hình như không mỉm cười với chúng tôi. Đúng là “chó cắn áo rách” tôi nghĩ, vừa thoát đói một tí thì chị tôi đổ bệnh. Rồi cái gì đến nó cũng đến, chị tôi nằm xuống để lại thằng con lên ba tuổi, nhìn thằng bé thắt khăn xô trên đầu mà ngẫm tới thân mình, cũng  ở độ tuổi nó bây giờ tôi mất cả cha lẫn mẹ.
Tôi ngồi thừ người nhìn ra bụi tre ngoài ngõ, mắt mải dõi mấy con gà con nháo nhác lạc mẹ. mà lòng thấy nhoi nhói đau. Bỗng có tiếng gọi:
- Cậu ơi! cậu…
Rồi thấy như có ai lay lay tay tôi, tôi choàng tỉnh. thì ra cu Bi đầu vẫn thắt khăn xô trên đầu, ở đâu vào nhà lúc nào mà tôi không hay. Tôi giơ hai tay bế nó vào lòng…
                                                                              
 16/10/2012
 Phó Mộc     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét