Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

BÉ KHANG


- Pà..p..pà!...
          - Cu Khang lại vào đấy phải không?
          Bà cụ Oanh vẫn cầm cái chổi loẹt quẹt ở sân, vừa nói chuyện vừa quét tiếp.
          - Con chào bá đi! mẹ nó nói:
          Cu Khang vẫn một giọng điệu khó khăn của một từ: “Pà!..p..Pà!...” Từ ngày có cu Khang đến giờ nhà vui hẳn lên. ai cũng bận rộn với nó. Khang đến thàng mười này mới đầy một tuổi. Nó xinh xắn bụ bẫm, da trắng ai nhìn thấy cũng phải thích, mắt lúc nào cũng mở to, đen láy, tuy nó chưa nói được nhưng mà nghịch lắm. thả xuống nền nhà là cu cậu bò khắp nơi, cái gì cũng ngó nghiêng, kiểm tra cho bằng được. Hàng ngày phải mất một người thường trực để trông nó.

Khang lúc 2 tuổi

          Cụ Oanh quơ mấy lắm lá xoài dụng xuống sân mang vào bếp. Quay trở ra và nói:
          - Nào thằng chó cún của bà đâu!
          - Bà đi rửa tay đã. Thủy nói.
          - Ừ! quên đấy.
          Thế là bà cụ lật đật chạy ra chỗ vòi nước xoa xoa hai bàn tay với nhau dưới dòng nước, rồi đứng dậy phủi bụi quần áo tinh tươm.
          - Bố mày!...
          Bà mắng yêu cu Khang và bế nó trong vòng tay âu yếm. Bà cụ Oanh năm nay tám tư nhưng vẫn còn khỏe mạnh lắm, răng rụng hết, lưng vẫn thẳng băng kéo lại được mắt tinh tai thính, giọng nói cứ gọi là choang hoang mỗi cái tội là hay quên và cố chấp. Một lát, bà nói chuyện với Khang:
          - Mày là sướng nhất nhà đấy, bố mày bị bà cai sữa sớm để đẻ thêm một chú nữa nhưng không thành, thế là bây giờ bố mày mới còm nhom như vậy chứ không được như mày bây giờ đâu.
          Vẫn một giọng vừa mắng yêu vừa kể nể, bà cụ hết đưa thằng bé nên lại hạ xuống, còn cu Khang chỉ toét miệng cười. Ngoảnh sang con dâu bà hỏi:
          - Hàng họ dạo này thế nào hả Thủy?
          - Ế lắm bà ạ!
          - Sao tao thấy thợ vẫn làm đầy nhà, đấy thây?
          - Vâng! thợ làm mấy món hàng người ta đặt, còn hàng Trung Quốc không bán được, khách vào xem, trả giá thấp quá.
          - Á!...
          Thì ra từ nãy tới giờ cu Khang sờ sờ cái khuyên tai của bà. nó dật mạnh một cái làm bà đau điếng, kêu nên. Bà giụi gụi mặt vào ngực nó và mắng:
          - Mày định ăn trộm khuyên của bà hả? mày lại giống thằng anh mày làm mất của bà một bên khuyên chỉ rưỡi đấy.
          Hưng là anh lớn con nhà bác của Khang. Hồi bé bằng Khang bây giờ, bà bế Hưng đi chơi không hiểu cu cậu vân vê thế nào làm mất toi cái khuyên tai chỉ dưỡi, bà vừa kéo ở ngoài hiệu về, tiếc đứt ruột, bà quay lại chỗ đã đi qua nhưng tuyệt nhiên không thấy, thế là bà nhớ mãi. Bây giờ, cu Khang lại nghịch chẳng khác gì anh Hưng nó.
Khang tưởng bà đùa. Nó lại toét miệng cười. Sử lý yêu thằng Khang xong bà lại nói chuyện với Thủy:
- Ngõ trước họ còn xây miếu vào đất nhà mình nữa không?
- Không, bà ạ! từ hôm bác cả đến nói với người ta và nhà con mang đơn nên xã, đến giờ họ không xây nữa.
- Hình như xã sang làm việc phải không? 
- Con không biết! nhưng nhà con nói: “mấy người ở ngõ ấy cho biết, xã sang làm việc với trưởng thôn và không cho xây cái miếu ở đó. Bà con đều tán thành với ý kiến chỉ đạo của xã.”
Bỗng cu Khoa ở đâu chạy vào ôm lấy cổ Khang hôn lấy, hôn để, làm thằng Khang cứ duỗi ra, nhưng vấn khoái chí lắm, làm bà cụ Oanh cũng loạng choạng theo hai thằng, bà mắng
- Tiên sư nhà mày! ngã em bây giờ.
Khoa vào phá đi cái yên tĩnh trong nhà. Khoa là anh trên của Khang, Khoa năm nay lên 10 tuổi, học lớp ba tại trường tiểu học Phù Khê. trên Khoa là hai chị, chị Yến học lớp mười hai, chị Vân Anh học lớp mười, cả hai chị đều học trường PTTH Nguyễn Văn Cừ. Khoa hôn hít em xong lại cum cúp chạy ra cổng. Thằng Khang thấy anh chạy đi cứ ấm ê nhoài theo anh, có vẻ vẫn lưu luyến với anh lắm.  Thủy nhớ ra cái gì vội gọi với theo:
- Khoa!...
Thằng Khoa lon ton chạy quay trở lại và hỏi:
- Mẹ bảo gì con?
- Ra chợ mua cho em mười nghìn cháo.
Khoa cầm tiền và véo cu Khang một cái rồi chạy ra cổng. Khang bị đau kêu toáng nên, bà Oanh lại phải dỗ yêu nó. Đột nhiên bà cụ Oanh hỏi con dâu:
- Chồng mày vẫn ăn chay à?
- Vâng!
Giọng nói của Thủy chùng lại, có vẻ buồn lắm. Từ ngày chồng ăn chay tới giờ không hôm nào là không có chuyện. Bắt đầu cái ngày Chồng Thủy đi châm cứu bệnh đau lưng tới giờ tự nhiên thích ăn chay, niệm Phật. Có lẽ chỉ tại thằng thầy nửa mùa ấy nó ngon ngọt thế nào mà làm chồng mình mê muội. Nhưng phải ghi nhận là anh ấy bây giờ sống vì mọi người hơn, không tính toán chi ni như trước nữa. Hàng ngày, sớm đi thể dục về là anh lại vào mời mẹ ra ăn sáng, điều này trước kia không bao giờ có. Nhưng cái đau của Thủy là bây giờ anh gầy đi và xanh rất nhiều, có sức khỏe mới gánh vác công việc được gia đình, có sức khỏe mới làm cho mọi người yên tâm được, chứ trông cứ hom hem thế thì tồi tội thế nào ấy. Nếu không vì cu Khang thì Thủy bỏ đi đâu một thời gian cho khuây khỏa, “chỉ tại cái thằng chó con này nó giữ chân mẹ lại”  Thủy nghĩ. Đến đây Thủy như có nghìn mũi kim đâm vào lòng, mắt tự nhiên nhòe đi, ngân ngấn nước mắt, Thủy nói với bà Oanh từ nãy đến giờ vẫn đùa cùng Khang.
- Bà xem thế nào khuyên nhà con, cứ thế này mãi con không chịu được.
- Để hôm nào tao sang tận nhà ông Phụng, hỏi ông ấy xem.
Ông Phụng là thầy cúng ở làng bên, ngày xưa hoàn cảnh khó khăn được bà Oanh giúp đỡ nhiều, bây giờ hai gia đình vẫn đi lại với nhau. Mấy năm nay nhờ kính tế phát triển, nhân dân trong vùng cúng lễ thường xuyên, nhờ đó mà ông cũng phất lên trông thấy. Mọi người đang im lặng thì Thủy kêu toáng lên:
Khang!... Khang!
Hai mẹ con chạy vào chỗ cu Khang nghịch. Thì ra bà mải nói chuyện thả nó ra, nó bò vào trong nhà nghịch vòi nước uống làm nước chảy đầy nền nhà, ướt hết cả áo. Thủy vội bế nó nên, bà Oanh thì lấy cái chổi lau, lau đi chỗ nước vừa chảy ra nền nhà. Vừa thay áo xong, Khoa mua cháo chạy về đưa cho mẹ. Nền khô, Thủy thả Khang xuống cầm thìa cháo bón cho nó, chốc chốc lại nghển cổ lên xem ti vi. Ti vi tới đúng chỗ quảng cáo thì cu cậu ngồi im xem rất chăm chú, mặt cứ nghệt ra trông tức cười lắm, những lúc như thế nó ngừng hết hoạt động, kể cả ăn. Hết quảng cáo nó lại nghịch, Bà cụ Oanh lại chạy theo và nói:
À!... à nào.
Thủy  một tay để nhẹ lên chán, cu cậu đã há ngoác cái mồm theo phàn xạ tự nhiên, tay kia đưa thìa cháo vào miệng nó ngon lành.
Trời đã trưa, ánh nắng cuối thu mát mẻ hẳn, ngoài sân nhưng vệt nắng lọt qua tán lá xoài trải xuống sân như chiếc vải hoa cỡ lớn. Mấy con mèo con đang bú mẹ mắt lim dim sởi nắng. Thủy nói với cu Khoa:
- A! bác Liên về kìa, cả anh Hưng, anh Huy nữa.
- Hai mẹ con chơi ở đây à? Liên hỏi.
- Con chào bác, chào các anh đi.
Dựa cái xe đạp ở góc sân không kịp chào thím, hai anh vào tranh nhau bế Khang lên hôn lấy hôn để. Khang thấy mọi người về đông vui hai nhân nhảy cò cớn lên, miệng cứ ngoác ra cười!...

7/11/2012
Phó Mộc          
TẢN MẠN VỀ THỊ

Thế là một mùa thu nữa lại ùa về, qua từng con ngõ nhỏ, từng bụi cây, ngọn cỏ. Mỗi chúng ta khi cảm nhận thấy cái heo may đầu tiên đồng thời cũng có cảm nhận về mùi thơm phưng phức của trái thị chín. Từ hương vị đó mà tôi liên tưởng tới bao kỉ niệm hồi còn là cậu học trò trường làng. Hình ảnh trên tay các cô, cậu học sinh thường xuyên thấy cầm quả thị xinh còn đọng mãi trong tôi. Đứa thì cầm trực tiếp trên bàn tay, có đứa cẩn thận đan một cái lưới mắt cáo bằng sợi rồi đặt quả thị bên trong, nâng niu món quà đầy hương vị một cách trân trọng và thích thú, vừa đi vừa lúc lắc trông ngồ ngộ, cho tới khi quả chín mõm mới bóc ra ăn.
Hồi nhỏ tôi thường được bà ngoại kể cho nghe chuyện “Tấm Cám” và hình ảnh quả thị lại vào trong tôi. Khi nghe kể chuyện đến đoạn bà lão đưa cái bị ra và nói: “ Thị ơi! Thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn” là lòng tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Bây giờ nhớ lại bà ngoại tôi sao mà giống bà lão trong chuyện ấy thế. Cũng khăn vấn, áo tứ thân, thắt bao lưng và mặc váy lĩnh đen. ấn tượng với tôi nhất là cái bao tượng ở lưng bà, vì trong cái bao của bà đựng tiền, mà tiền thì bà gói rất cẩn thận, tiền xu bà sâu thành chuỗi, tiền giấy bà gói vào một tờ giấy rồi bỏ vào túi dái bò quấn chặt sau đó lồng vào cái bao tượng thắt vào lưng, bà nói với tôi: “ thế này có mà rơi đằng trời.” Lúc nào tôi thèm thị là tôi lại đến xin bà tiền, khi thì 5 xu, lúc 1 hào, bà lại vui vẻ mở cái bao tượng ra lấy tiền cho tôi.
Sau này lũ chúng tôi lớn lên một ít, U tôi kể về cây thị có nhiều dược tính tôi mới biết thêm về quả thị. chả là U tôi học hộ sinh, có một số buổi học về dược liên quan tới cây, củ, quả tí ti. U tôi mở sách đã học ra đọc cho tôi nghe: “Quả thị Có hai dạng đó là dạng quả hình cầu, đít tròn, thường được gọi là thị muộn và dạng quả nhỏ hơn hơi dẹt, đít bằng, có tên là thị sáp hay thị lục sáp.
Lá thị: Được dùng rất phổ biến để trị chứng táo bón, bụng anh ách căng đầy hoặc dùng lá thị tươi giã đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, hòa với rượu rịt vào chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy) …
Vỏ thị: Nhân dân thường lấy vỏ bằng cách khía quả thị thành 6 – 8 mảnh, bóc ra dán lên tường vách hoặc cột nhà cho khô, khi dùng mới gỡ xuống.
Hạt thị: Theo tài liệu nước ngoài, hạt thị ngâm nước trà, uống có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống lão hóa, làm thuốc dưỡng da, làm cho da hết nhăn, trở nên căng phồng, hồng hào. Về sau, hạt thị trở thành vị thuốc "cung đình" để giữ sắc đẹp (theo sử sách đời nhà Đường, Trung Quốc).
Rễ thị: Thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, rửa sạch, lột vỏ và chỉ lấy lớp vỏ trắng ở mặt trong, phơi hoặc sấy khô cất dùng dần.”
Còn nhiều nữa nhưng tôi không thể nhớ hết, quả là công năng của quả thị chữ được nhiều bệnh thật, thế mà tôi chỉ biết mỗi một việc chén thị khi nó chín vàng.
Lại nói đến ăn thị, các cụ ngày xưa nói quả không ngoa: Nghề chơi cũng lắm công phu, thì tôi phiên thành: “Cái ăn cũng lắm công phu”. Để ăn được quả không bóc vỏ cho vào miệng mà phải từ từ. Với quả thị quá chín mõm không nói, nhưng quả vừa chín tới muốn ăn thì phải dùng tay nặn từ từ không được vội, nếu mà nặn nhanh quá trong quả thị chưa mềm đều khi ăn vẫn còn nhiều vị chát mất ngon. Phải bắt buộc dùng tay nặn làm sao cho quả mềm đều, khi sờ không thấy chỗ nào trong quả thị còn lổn nhổn, hay lạo sạo thì mới được ăn, mỗi lần nặn thị như thế là nước miếng của tôi lại ướt tận rốn. Chưa xong, khi nặn nếu nó vỡ ra ngay là phí, nặn mềm đều rồi, lại nặn tiếp khi nào có một kẽ nứt thì dùng miệng hút, mà phải hút từ từ mới thấy cái hương vị đặc trưng của nó, mà không loại quả nào có được. Ôi! thơm ngon làm sao, cái vị ngọt lự của nó ngân ngấn trong cổ họng, đến bây giờ tôi vẫn có cái cảm giác đó.
Hạt thị có hình ô van vát hai mặt gần giống múi bưởi, vỏ màu nâu, khi ăn thị xong đến phần giải quyết hạt của nó. Vào chính vụ quả nhiều mọi người ăn bỏ hạt lũ chúng tôi nhặt về mài hết lớp mầu nâu đi, để lộ ra cái lõi có mầu trắng đục dùng làm đồ chơi. Đứa thì mang ra chơi cá ngựa, đứa thì mang ra chơi ô ăn quan, vui lắm! Khi không phải vụ quả bắt đầu ít dần đi và hết, số hạt cũng bị cạn. Chẳng là “hết nạc thì vạc đến xương”, đang tuổi ăn tuổi nghịch cái gì chẳng xơi, ối! nó mới cứng làm sao, cái cảm giác xào xạo trong miệng, cái cưng cứng của hạt thị nhá mãi rồi cũng nhỏ, nhá đi nhá lại cảm nhận thấy vị bùi bùi. Rồi hạt cũng chén hết không còn để mà chơi nữa.
Có chuyện như thế này mà tôi nhớ mãi. Có một hôm Thày tôi đi chợ huyện mua về rất nhiều thứ, trong đó có một túi thị, quả nào quả đấy tròn vo, vàng ươm, mùi tỏa ra thơm phưng phức nhìn thấy ai cũng phải thèm. Thày tôi bảo: “Qua chợ nhìn thấy mớ thị ngon mà rẻ quá tôi mua về thắp hương”. U tôi thêm vào: Ừ! ngon thật đấy, Thày mày thật là tinh mắt”. Chưa kịp thắp hương thì thằng em tôi ở đâu về cùng mấy cậu bạn của nó, không biết đầu cua tai nheo thế nào cứ nằng nặc với tôi: “anh lấy cho em thị đi”. Thật ra khi Thày tôi mang về thấy mùi tỏa ra thơm phức là tôi đã thèm rồi, như vì sợ nên không giám nói. được thằng em với mấy đứa bạn nó vào hùa thế là nhân lúc Thày, U không có đấy mỗi thằng lấy mấy quả rồi chạy ra ngõ chơi. Khi về nhà tôi và thằng em bị Thày tôi bắt hai thằng nằm sấp lên phản, mỗi thằng bị mấy roi và số roi cho nợ, đợi đến khi phạm tội tiếp lại đánh một thể. Từ đó trở đi tôi cạch không giám háu ăn thế nữa.
Lại còn cái chuyện hiểm câm, hiểm ngầm của tuổi học trò nữa. Khi nhà hàng xóm có cỗ, thường thì lũ chúng tôi phải phục vụ nước nôi cho các cụ và khách. Bọn trẻ chúng tôi bị mấy anh lớn tuổi hơn xui ngắt một ít lá thị thả vào nồi nước xôi, sau đó múc lấy nước cho vào ấm mang lên mời khách uống. Tiếp theo là xảy ra chuyện, cứ ai uống nước chúng tôi nấu là thả ra đằng sau (trung tiện) liên tục. Kỳ lạ là ai cũng giữ ý không nói ra, nói ra sợ xấu hổ, còn mấy anh vừa xui chúng tôi cứ cười. chúng tôi thì vô tư không biết gì thậm chí lại lấy nước nhiệt tình hơn. Sau này thấy nhiều người bị như thế quá, rồi phát hiện ra, chỉ ngay mấy anh đang cười. các anh lại chỉ chúng tôi. Ới… trời ơi! Thế là chúng tôi bị một trận tơi bời, nhớ đến già.
Quanh chuyện về trái thị mà gợi cho tôi bao kỉ niệm buồn, vui của thủa thiếu thời. Chúng tôi từng gắn bó với nó. Bây giờ đô thị hóa mọc khắp nơi, nhà cửa mọc lên san sát, các loại cây ăn trái bị ít dần đi, có lẽ sau này những chuyện về thị chỉ còn trong sách vở.

11/10/2012
Phó Mộc