Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

BÙA YÊU

Bùa kia ai thả giữa giời

Men tình vương phải cuộc đời gẩn ngơ

Trách chi cái số mộng mơ

Trời đày lên phải thẫn thờ khát khao

Bao nhiêu đường mật ước ao

Đa tình cho lắm mắc vào bùa yêu

Vui thì ít, ưu tư nhiều

Chằn mình chao đảo như diều đứt dây

Lặng thinh cõng kiếp vơi đầy

Sớm khuya hứng nắng vầy mưa dãi dàu

Bồng bếnh trôi dạt nơi đâu

Để cho khắc khoải nhuốm mầu thời gian.

PM 7/11/2023


THÀ KHÔNG GẶP

Dưng dưng rồi lại dưng dưng
Thà rằng ko gặp chứ đừng quen nhau

Thời gian như phép nhiệm màu

Con tim lỗi nhịp giọt sầu đầy vơi

Thế rồi tôi lại à ơi
Thế rồi tôi lại nửa vời năm canh

Rối tinh tơ nhện buông mành

Kìa ai, ai đã hóa thành lẻ loi

Thế rồi lại tôi đơn côi
Thế rồi tôi lại rồi ôi thế rồi…

PM31/10/2023


Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

XUÂN


Chẳng thấy gì đâu chẳng thấy xuân
Hoa đào chỉ thấy nở ngoài sân
Thời gian vẫn vậy không dừng lại
Tóc đã bạc đi đượm mấy phần.
PM 29/1/2023

MẮT ĐAU TỰ VỊNH.

 


Sinh ra đều cả nét như nhau

Khấp khểnh giờ đây thế mới đau

Thằng sáng đếch cần ai hỗ trợ

Con lu lại phải đứa ôm hầu

Lần sờ chửa cậy tay dùng gậy

Dò dẫm nào hay cẳng dẫn đầu

Những tưởng song hành rồi những tưởng

Nhìn đời hấp háy tận đâu đâu.

1/2/2023

PM

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

BÌNH MINH PHÍA TRƯỚC

BÌNH MINH PHÍA TRƯỚC* 
Bình minh đã tỏa ở đằng xa 
Phía trước thêm gần cách mạng ta 
Vách đất vươn mình cùng non nước 
Hầm lò dấu phận với quốc gia 
Tù đầy có cả tù đầy vượt 
Xiềng xích không thành xiềng xích qua 
Khí phách hào hùng cùng dân tộc 
Thanh danh sáng mãi giải sơn hà 
Phó Mộc
11/5/2022 
 *Tên 10 tập phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Phim lên sóng vào tháng 7 nhân dịp kỉ niệm 110 năm ngày sinh của người (9/7/1912 – 9/7/2022)

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

CẦU LÀNG

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa

CẦU LÀNG

                   Bây giờ vào Nghĩa Lập không ai còn thấy hình ảnh cái Cầu làng nữa. Dân làng cũng ít dần người nhắc tới từ: “đi lên đầu Cầu”. Nếu còn, chỉ xuất hiện đây đó một vài cụ cao tuổi thi thoảng nói tới từ đó. Song song với ngôi Cầu làng là chiếc Cổng làng cũng trong tình trạng như vậy.

          Không ai biết từ bao giờ sự tồn tại của ngôi Cầu, cũng như công lăng của nó gắn với người dân của làng Nghĩa Lập. Ngôi Cầu này vẫn tồn tại cùng thời gian với bao thế hệ người dân Nghĩa lập. Trong sự phát triển của kinh tế hiện nay cộng với việc đô thị hóa ngày càng gia tăng thì một đi chứng tích lịch sử cũng làm lên văn hóa của ngôi làng cổ. Dù văn minh đến mấy chúng ta cũng không thể phủ nhận những mảng nối của cha ông đã tạo đà cho chúng ta phát triển ngày nay. từ những lý do đó mà tôi có ý nghĩ tìm những dấu tích còn sót lại đâu đó ở người dân làng Nghĩa Lập hôm nay. Quay trở lại chiếc cầu hay ngôi cầu hoặc nhà cầu, bởi ở đây có người sẽ hiểu lầm là cây cầu bắc qua sông hay qua suối… mà ở đây, tôi muốn nói tới ngôi cầu làng; có lẽ chỉ người cao tuổi mới hình dung ra còn lớp trẻ gần như không hay biết.

          Cầu được xây dựng cách làng Nghĩa Lập khoảng 500m về phía Tây Bắc. cầu gồm ba gian nằm đúng ngã ba hướng chính diện về phía Nam; phía Đông giáp khu ruộng Bành voi, đông Bắc giáp khu ruộng cây tháp, chính Bắc giáp khu ruộng Đống Bạc, tây giáp khu ruộng Chuôm chùa, Nam là đường đi. Hai hồi của cầu, một giáp đường đi từ đình Nghĩa Lập sang Phù Khê, một giáp đường đi nhỏ hơn từ đình Nghĩa Lập sang Cổ Trâu. Nhà cầu được làm theo kiểu nhà ngói ba gian (nhà cấp 4). Đây là kiểu nhà phổ biến của người dân đồng bằng Bắc Bộ ở thời điểm đó. Vật liệu chủ yếu bằng gỗ, tre làm khung nhà, gạch để xây và lát nền, mái nhà được lợp bằng ngói ta. Đây cũng là những vật liệu thường được sử dụng vào việc xây nhà và các công trình trong trong xây dựng nhà của đa số người dân thời bấy giờ. hai bên hồi xây bịt bằng gạch thông qua liên kết của vữa, vữa là vật liệu cấu thành từ cát sông được đánh đều với vôi. Hướng Bắc bỏ trống cột làm chỗ dựa của hai vì làm bằng gỗ, có nơi làm bằng đá. Hướng Nam xây bịt như hai hồi.

          Cây Đề mọc sau nhà cầu không biết có từ bao giờ, hay ai trồng. Khi tôi hỏi các cụ cao tuổi trong làng mọi người đều không biết, chỉ biết lớn lên đã có cái cầu và cây đề cổ thụ rồi. Cây đa ở phía trước cũng vậy, nhưng một số suy đoán cây đa trồng sau cây đề lên thân nhỏ hơn cây đề. Nhưng đây mới chỉ là giả thuyết chứ theo nhiều người thì cây đa cằn cỗi hơn cây để, có ý cho rằng: “biết đâu do vị trí xa ngôi cầu dưỡng khí ít, lại mọc đúng vào trỗ đất sấu thì sao?” thật ra những thứ trên hiện trường không còn, chỉ nghe kể thì ta chỉ cần biết có cây đề to ở phía sau, cây đa nhỏ hơn ở đằng trước là đủ. 


  Minh họa: Nguyễn Thạc Điền

          Ngôi cầu này công năng sử dụng của người dân chủ yếu là để tránh mưa và tránh nắng. Vị trí của cầu không quá xa làng nhưng lại nằm trên đường đi nên nó rất tiện cho nhân dân và khách bộ hành gặp lúc trời mưa. Nhất là bà con làm đồng giữa cái nắng như đổ lửa của trời tháng sáu thì đấy lại là nới hữu hiệu để bà con giải lao và như tránh nắng. Ta còn thấy những bác thợ cầy ra đồng từ lúc còn tờ mờ sáng còn chưa kịp ăn. Đến thủng buổi người nhà sách cơm, sách nước ra thì ý ới gọi nhau giải lao để ăn sáng tại cầu này.

          Không những thế mà đây còn là nơi để thi thể người gặp rủi ro ngoài làng.  Đó là các trường hợp: chết do bệnh tật người nhà đưa đi viện về không kịp hay chết tại viện; chết do tai nạn giao thông; chết đuối ở ngoài làng; chết do bị đâm chém… cơ bản là những người không may qua đời ở ngoài làng. Không biết tập tục này có từ bao giờ, nhưng chỉ nghe thấy người nọ truyền người kia là: mang người chết vào làng là mang vận đen và chết chóc cho cả làng, dần dà thành tập quán. Theo tôi được biết thì một số làng bên cạnh cũng vậy. Thế là cái cầu lại là nơi để làm ma cho những người bạc phận kể trên. Người dân có ý tưởng khởi dựng cái Cầu chắc cũng tính công năng này trong hạng mục công trình. Bởi vì, khoảng cách giữa Cầu và bãi Cả của làng khá gần nhau.

          Mọi người rất ngại đi qua đây vào ban đêm nếu có việc đi qua thường là rủ nhau đông người mới dám đi. Cũng từ câu: “Thần cây đa, ma cây gạo cú cáo cây đề” lại gần bãi tham ma, cảnh về đêm càng thêm u tịch và lạnh lẽo. Trước đây tôi thường được thầy tôi kể: khi còn thanh niên đi hát tuồng về qua gặp phải đêm không có trăng nghe thấy lá đề bị gió thối va vào nhau phần phật tạo thành âm thanh lạnh cả gáy, thỉnh thoảng lại có con cú rình chuột thấy động dật mình kêu cú u cú… lại càng sợ. Thày tôi còn nói: “Những cái đấy không sợ bằng bị cướp, bởi Cầu thường là nơi trú ngụ của bọn cướp. Đây là đoạn đường chính đi vào trong làng. Nhiều khi thày tôi phải đi vòng xuống ruộng để tránh không gần cầu”.

           Mọi thứ trên đời không có gì là trường tồn và vĩnh cửu, cái cầu làng Nghĩa Lập cũng vậy. Nó hoàn thành sứ mệnh của mình vào thập kỉ 60 của thế kỉ trước. Ba gian cầu được dân làng bán cho nhà cụ Biểu Nhượng. Nhà cụ Biểu ở cạnh nhà tôi.        

          Ngày nay cái cầu không còn nhưng nó là văn hóa đặc trưng một thời của làng quê Bắc Bộ nói chung và người dân làng Nghĩa Lập nói riêng. Nó là gạch lối của thì quá khứ với thì hiện tại. Tuy bản chất của cái cầu nguyên thủy không còn nhưng đây đó một số làng đã khởi dựng bằng vật liệu của thời hiện đại, về chức năng sử dụng cũng không khác xưa là bao. Cầu làng Nghĩa Lập đã chứng khiến biết bao thăng trầm của lịch sử.  Nó cũng thấy được sự chuyển mình của làng Nghĩa Lập từ tập quyền phong kiến trở thành một làng XHCN, đánh đuổi cường hào dành quyền lợi về cho người nông dân.

4/12/2012

Phó Mộc


Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

RỐI LÒNG

 


Con tằm nhả mấy đường tơ

Làm ai, ai lại thẫn thờ với ai

Môi hồng thắm, tóc đen dài

Mơ màng đôi mắt, bờ vai hao gầy

Màn sương như phủ bóng dầy

Con tim loan nhịp thêm đầy thêm vơi

Thôi thôi đừng có à ơi

Không như vậy nữa lòng tôi rối lòng.

18/11/2021