Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

CHÙA NGHĨA LẬP


          Theo tục ngữ Việt Nam: “đất vua, chùa làng”, các ngôi chùa đa số là thuộc về cộng đồng làng xã. Chùa Nghĩa Lập cũng không ngoài khuôn khổ ấy. Chùa Nghĩa Lập có tên chữ là “Cảm Ứng tự”, trước đây chùa nằm trên diện đất thuộc phía Tây làng Nghĩa Lập, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cách Hà nội khoảng 20 km về hướng Bắc.
          Chùa Cảm Ứng không biết có từ khi nào nhưng theo vật liệu xây dựng chùa còn lại có lẽ chùa được sửa chữa khá nhiều lần. Cứ theo lời của các cụ già ở trong làng thì chùa bị thời gian và thời tiết hủy hoại, nhất là các trận lụt làm biến dạng rất lớn về chùa. Những thứ có tuổi thọ cao nhất phải kể đến đó là chuông đồng, bia đá, kế đến là các pho tượng gỗ… vì không có số liệu cụ thể lên căn cứ vào hoa văn, vật liệu xây dựng thì chùa Cảm Ứng có tuổi đời khoảng hơn 100 năm.

Đình và chùa Cảm Ứng
          Chùa Cảm Ứng được thiết kế theo kiểu chữ Đinh () đây là kiểu thiết kế phổ biến của các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ. Chùa có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Vật liệu xây dựng chùa là gạch, ngói, đá, tre và gỗ. Gỗ có nhiều loại như trên đã nói có thể là được sửa chữa nhiều lần lên có; gỗ đinh, gỗ lim, gỗ xoan… gạch cũng vậy phổ biết nhất là gạch thất và gạch lục. Gạch thất là loại đúc bằng tay và đun thủ công, quân bình: 250x120x50mm, nặng khoảng 1,5 kg/viên, vật liệu để đun gạch chủ yếu là củi và rơm loại này phổ biến nhất vào những thập kỉ 50, 60 của thế kỉ 20 về trước. Gạch lục là vật liệu mới hơn được đun thủ công nhưng đã được các nhà sản xuất đun bằng than. Hòn gạch lục về cơ bản không chắc bằng gạch thất, có thể do các nhà sản xuất không chú ý tới quy trình khi làm gạch. Bởi vậy mà các nhà nghiên cứu dễ xác định được niên đại ( năm và đời) của di tích.
          Chùa Cảm Ứng nằm cách đình Nghĩa Lập 2m về phía Đông, thềm đình và thềm chùa cùng nằm trên một đường thẳng. không biết từ bao giờ người làng thường nói câu: “Đình chùa có đôi.” Hướng chính của chùa nhìn về phía Nam, cùng hướng với đình.  Phía Bắc chùa giáp ruộng chùa (bây giờ là đường đi), phía đông là ruộng chùa cạnh ao và thành bà Vũ Phía tây giáp đình, móng chùa xưa là  một phần của chùa mới, một phần trùng với nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Chùa có diện tích khoảng gần 2000 m2  cộng với ruộng phía Bắc chùa, ruộng  phía Đông nay không còn, bây giờ một phần là đường đi, một phần nằm trong diện tích chùa mới. Từ cổng đi vào ta gặp một gác chuông hay còn gọi là nhà tám mái. Gác chuông được xây theo kiểu chồng diêm gồm hai tầng vật liệu chủ yếu là gỗ và ngói. Phần móng có ba bậc, mặt lát gạch Bát Tràng. Hiện nay gác chuông không còn. Kế sau gác chuông là khu vườn rộng được trồng nhiều loại cây nhưng đặc trưng là cây nhãn.
          Đi vào phía trong là các gian chính của chùa, do lịch sử truyền nhập Phật giáo ở Việt Nam, phần lớn chùa Việt Nam là chùa Đại thừa. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ đều bị ảnh hưởng từ Phật Giáo Trung Quốc.  Do đó, chùa Cảm Ứng cũng vậy, nhà chính điện cũng như các tòa nhà khác trong chùa, chúng ta thấy có nhiều tượng Phật, Bồ Tát cùng với các tượng thuộc những hệ phái Phật giáo khác.
 Tượng bày trong chính điện(Tam Bảo):
Chính điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa. Ở đây có nhiều lớp bàn thờ làm thành bậc từ cao xuống thấp. Chùa Cảm Ứng có khoảng 30 tượng phật lớn bé. Các lớp bàn thờ được sắp xếp theo nguyên tắc sau: lớp bàn thờ cao nhất ở sâu trên cùng giáp mái chùa, sau đó các lớp bàn thờ đặt tượng cứ thấp dần, tiếp sau lớp bệ thờ cuối cùng bao giờ cũng là hương án. Nguyên tắc bài trí khá uyển chuyển và linh hoạt của chùa theo cách sắp xếp như sau:
Tầng cao nhất của bàn thờ ở chính điện, sát vách, có 3 pho tượng gọi là "Tam thế Phật", tức là các vị Phật của ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Một trong các Phật quá khứ là Phật A Di Đà, Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mầu Ni, Phật tương lai là Phật Di Lặc. Ba tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn (), mình có sắc hoàn kim sáng rực, mặt nguyệt. Ba pho tượng Tam thế được đặt ngồi trên tòa sen.
Phía dưới ba pho tượng trên thường xếp ba pho tượng gọi là "Di Đà tam tôn" (còn gọi là "Tây phương tam thánh") gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm (tiếng Phạn: Avalokiteśvara) ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí ở bên phải. Tượng Phật A Di Đà thường có kích thước lớn hơn các tượng khác. Tượng A Di Đà cao gần 2 m, chất liệu bằng gỗ, ngoài được sơn thiếp phủ hoàn kim, trong tư thế ngồi toạ thiền, kể cả bệ và đài sen. Hai tượng còn lại là hai vị thị giả giúp việc cứu thế cho Phật A Di Đà nên thường được tạc kiểu đứng chầu bên cạnh. Bộ "Di Đà tam tôn" được đặt ở tầng thứ hai để tỏ ý là mặc dù các ngài ở cõi Cực lạc nhưng vẫn có duyên và gần gũi với cõi Sa bà này, gần gũi với chúng sinh.

Tượng cũ của chùa Cảm Ứng
Ở lớp ban thờ thứ ba, chiếm vị trí ở giữa là tượng Cửu Long. Phía sau là tượng Ngọc Hoàng (Thiên Đế). Tượng Cửu Long diễn tả Phật Thích Ca Mầu Ni lúc mới sinh. Tượng có kích thước nhỏ, chất liệu là đồng hun, dễ nhầm với đồng đen. Nhiều lần bị kẻ chộm hỏi thăm nhưng không thành. Theo truyền thuyết, khi ngài mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm. Tắm xong, ngài tự đi được bảy bước về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời, dưới trời chỉ có một ta), xong ngài lại nằm xuống theo kiểu con trẻ. Thiên Đế cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên. Là người có quyền hạn và tu vi lớn nhất lục giới nên được các chư thần kính mộ phong làm Đế, Thiên đế phân chia pháp lực của mình cho các vị thần cai quản các nơi và các chức vị khác nhau. Vì là vua nên tượng các vị được tạc theo chân dung hoàng đế: đội mũ miện, ngồi trên ngai. Hai bên tượng Thiên Đế có Kim đồng Ngọc Nữ theo hầu, hai tay cầm bông sen dâng lên và chân ở tư thế quỳ.
Cuối cùng là hai pho tượng Nam Tào và Bắc Đẩu, tượng ở tư thế ngồi, chất liệu là đất. Đây là hai pho tượng chuyên ghi chép và sổ sách cho Ngọc Hoàng (Đế Thích).
 Hành lang khu chính điện nhìn từ ngoài vào phía tay phải là: Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề cũng thấy được bày bổ sung vào điện chính và các biến thể này hầu hết lại được diễn tả bằng hình tướng nữ. Thân vị Bồ-tát nầy có màu vàng của hoàn kim, ngồi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu ly rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Vị Bồ-tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài, Quan Âm Thị Kính ngồi bên cạnh mặt hướng sang phía tây tức ngoảnh vào chính điện.
Hành lang khu chính điện nhìn từ ngoài vào phía tay trái là: Tượng Quan Âm tọa sơn ở tư thế ngồi chân co chân duỗi. Bên cạnh là tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cũng ở tư thế ngồi mắt hướng vào chính điện, hướng chính Đông. 
Cũng ở nhà chính điện, ở hai bên dãy bàn thờ chư Phật có thể gặp lại tượng thờ Thái thượng Lão quân ở bên phải và Khổng Tử ở bên trái, đây là hai vị tổ của Đạo giáoNho giáo được thờ trong điện thờ Phật của chùa để diễn tả tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" của xã hội Việt Nam xưa.
 Tượng bày trong bái đường:
Trong nhà tiền đường (gian bên cạnh của nhà bái đường) có hai tượng Hộ Pháp là những vị thần bảo vệ Phật Pháp, mặc giáp trụ, cầm vũ khí, ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Kích thước của tượng rất lớn, đắp bằng đất thó. Dân gian vẫn nói "to như ông Hộ Pháp" là cách nói so sánh với hai tượng này. Còn một số thuyết khác, đã thành phổ biến, cho rằng tượng vị bên trái là Khuyến thiện (gọi tắt là ông Thiện), tượng vị bên phải là Trừng ác (gọi tắt là ông Ác). Theo thuyết này thì việc bày đối xứng hai tượng ông Thiện-Ác nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện-Ác.
Ở phía Đông nhà bái đường có ban thờ  Long Thần (đức Ông). Theo truyền thuyết, Long vương vốn lúc đầu định hãm hại Phật tổ, phá hoại sự nghiệp của Phật, không cho thành chính quả nhưng đã không phá nổi nên đã quy Phật và hộ trì Phật pháp.
Phía Tây nhà bái đường có pho tượng Thánh tăng, đây là vị Đường Tăng (Đường Tam Tạng) nổi tiếng đời Đường Minh Hoàng -Trung Quốc được nhà văn Ngô Thừa Ân hư cấu thêm trong tiểu thuyết Tây Du Ký.
Khu nhà chính của chùa Cảm Ứng là nơi trang trọng đặc biệt trong tổng thể của chùa. Tất cả cấu trúc chặt chẽ, từ nhà cửa tới các ban thờ, tượng Phật… các tượng Phật được bài trí chuẩn mực, không thừa, không thiếu, to, nhỏ hài hòa, thêm không được, bỏ cũng không được. Đây là kiến trúc phổ biến của các chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ, có sự tổng hòa và đúc kết kinh nghiệm của cha ông ta từ hàng nghìn năm nay. Khi bước vào chùa ta thấy một kiến trúc đặc biệt của nông nghiệp lúa nước, mang mầu sắc tâm linh. Dưới cái lung linh huyền ảo của đèn, nến cộng với mùi ngan ngát của hương trầm và hoa quả tạo cho các phật tử cảm nhận thấy sự linh thiêng thành kính, dù là thường dân hay các thành phần khác trong xã hội khi đặt chân vào cửa chùa không ai là không cúi mình trước các ban thờ tượng. Khác hẳn với ngày nay các ban thờ cao rộng hơn, ánh sáng vào nhiều hơn, mang nhiều mầu sắc của công nghiệp hiện đại. Mọi thứ đều được phơi ra có lẽ ít ai cảm nhận được cái linh thiêng như ngôi chùa cũ.  
Tượng bày ở nhà tăng đường
Nhà tăng đường còn gọi là nhà hậu đường vì nằm sau chính điện, được xây tách rời với chính điện. Cách bố trí tượng thờ ở nhà hậu đường cũng khá đa dạng, có pháp danh là Bồ-đề-đạt-ma. Ngài được coi là sư tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Quốc.
Nhà tăng đường hay nhà tổ trước kia nằm sau nhà chính điện của chùa Cảm Ứng. Đây là nơi ở của các tăng, ni trụ trì tại chùa và thờ cúng các vị sư tổ như trên đã nói. Đây còn là nơi thờ cúng các vị sư trụ trì tại chùa đã viên tịch. Trong Nhà tổ của chùa Cảm Ứng còn thờ cả mẫu (Hầu Đồng). Đạo mẫu là đạo thuần chủng Việt Nam, nhưng có một điểm như các đạo khác thì Đạo Mẫu thuộc một tôn giáo độc lập không bị lệ thuộc vào đạo Phật. Theo các nhà nghiên cứu thì đạo Mẫu có trước khi Đạo Phật vào Việt Nam. Trong lịch sử tôn giáo thế giới cũng như Việt Nam đều có lúc thịnh lúc suy. Chùa Cảm Ứng cũng vậy, đây là ý thức hệ của nhân dân. Trong nhiều thời gian gián đoạn của chùa không có sư trụ trì, việc thêm hay bớt một đạo nào vào chùa có lẽ không phải là việc quá khó. Nhưng, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu thì đạo Mẫu từ khi hình thành tới nay đã có sự giao thoa của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Nên, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu đây là loại hình tôn giáo bản địa cần bảo tồn và gìn giữ riêng biệt.
Nằm nối liền với nhà tăng đường là dãy nhà ngang và bếp của chùa. Khu nhà này dùng để cơm nước cho các sư, sãi của chùa và phục vụ khách qua bữa tại chùa. Nơi đây còn là nơi bày cỗ phục vụ khách thập phương trong những ngày đại lễ.


Dấu tích của chùa cũ vẫn còn.
Trong ngôi chùa này người trụ trì có tên tuổi nhất phải kể đến sư tổ Giác Linh. Người sinh ra tại Tổng Cói nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Khi trụ trì tại chùa Cảm Ứng được nhân dân lể phục. Sau này được các cụ cao tuổi trong làng kể lại; cụ là người cao đạo, khi người nhà vào bị cụ đuổi về, hay là bắt làm như tiểu bình thường. Tổ nhiệt tình với công việc của dân, xây dựng chùa tố hảo. Đặc biệt khi cụ sắp viên tịch. Cụ nói: Tôi mất vào giờ “đó” thì sau này không có sư nào ở được lâu. Quả đúng như vậy sư Tổ mất được gần 100 năm rồi, qua rất nhiều đời sư không vị nào ở được lâu, vị nào ở nhiều nhất chỉ 10 đến 15năm là bằng các lý do khác nhau đều phải chia tay với chùa. Tháp của Sư Tổ được đặt cách chùa khoảng 800m về phía Bắc. Nghe nói: tháp này chính tay cụ cắm đất, đặt hướng và thuê thợ xây. Qua thời gian dài, nhân dân đã nhiều lần tu sửa nhưng hiện nay công trình này bắt đầu có sự xuống cấp.

Chùa mới
Trên đây là một vài nét về ngôi chùa cũ của làng Nghĩa Lập. Tuy là hậu sinh nhưng những nét còn lại nó đã để trong tôi bao hoài niệm thành kính. Chùa Cảm Ứng đã gắn với sự phát triển của Làng Nghĩa Lập. Tại đây chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của làng xã, mang nhiều mầu sắc của khuyến thiện. Nó tạo cho con người sống thân ái với nhau hơn, khi đến với chùa là để lại đằng sau sự toan tính, lo âu của đời thường giúp cho chúng ta một lòng hướng đến với Phật, những giáo lý của Phật giúp con người cởi mở hơn, đạo đức hơn, tạo nhiều quả phúc hơn… đến với giáo lý của Phật là mỗi chúng ta xa rời lục dục, tạo cho cuộc sống tươi đẹp hơn, góp vào sự phồn thịnh cho làng xã và đất nước.  

27/11/2012
Bài và ảnh
 Phó Mộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét